Vượt qua Covid-19, kinh tế vẫn nhiều nỗi lo
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Báo cáo của Chính phủ cho biết: Năm 2021, kinh tế nước ta lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội. Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống, không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân mà còn làm đình trệ trong hoạt động của các khu công nghiệp, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, sức mua trong nước giảm sút, công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do, khu vực dịch vụ, du lịch, vận tải, nhà hàng... bị ảnh hưởng nặng nề. Tăng trưởng GDP năm 2021 và một số các chỉ tiêu vĩ mô không đạt mục tiêu đề ra.
So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021 sau khi đánh giá bổ sung có một số thay đổi tích cực, như: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%).
Thu NSNN đạt khoảng 1,56 triệu tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội ; bội chi NSNN thực hiện khoảng 286,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,41% GDP (số đã báo cáo Quốc hội ước trong phạm vi dự toán là 343,67 nghìn tỷ đồng, tương ứng 4% GDP)...
Tuy nhiên, theo báo cáo, có 5/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc khôi phục lại tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động đã có bước chuyển biến tích cực nhưng tiến độ còn chậm. Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được kiểm soát dưới mức 2%, tuy nhiên, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tiếp tục tăng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị, kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp.
Tại thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 1,49%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 2,88%. Tuy nhiên, đánh giá một cách thận trọng, nếu tính toàn bộ dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì con số này khoảng 6,31%.
Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong đó khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách. Một số chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ. Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản.
"Mặc dù tình hình kinh tế xã hội nước ta trong quý IV/2021 có những chuyển biến rất tích cực, nhưng hậu quả của dịch bệnh là hết sức nặng nề, sức cầu của nền kinh tế chưa thể phục hồi mạnh mẽ ngay trong ngắn hạn. Qua đó khẳng định tính cấp thiết phải thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, sớm đưa nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch”, Chính phủ đánh giá.
Điểm mặt thách thức cho năm 2022
Qua gần 5 tháng của năm 2022, Chính phủ nhận định những thách thức là giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng tiêu dùng, sản xuất từ Trung Quốc; thị trường chứng khoán biến động mạnh. Đây là các yếu tố tiềm ẩn rủi ro đến phục hồi tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đời sống của người nghèo, người thu nhập thấp.
Theo báo cáo của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá dầu tăng cao từ cuối tháng 2 tác động dây chuyền lên giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logisitics, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu,... trong khi công tác điều hành giá xăng dầu còn khó khăn. Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, cao gần gấp đôi cùng kỳ các năm 2018-2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 và 2023. Do vậy, cần điều hành linh hoạt, kịp thời giá xăng dầu trong nước đồng thời bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới.
Chính phủ cũng lưu ý về áp lực tăng tỷ giá do lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng cao, FED tiếp tục có nhiều đợt tăng lãi suất, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, giá nhập khẩu đầu vào tăng mạnh.
Nguy cơ nợ xấu, những tồn tại, bất cập của thị trường tài chính, thị trường vốn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, theo dõi sát sao để có thể xử lý kịp thời. Bởi thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 4; một số vụ việc thao túng giá cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư; tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng và thị trường tài chính nếu không có giải pháp kịp thời, quyết liệt.
Do đó, Chính phủ định hướng tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính.
Chính phủ sẽ triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Chính phủ xác định đây là những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)