Chứng khoán trong nước vừa trải qua 2 phiên giao dịch ấn tượng, cả về điểm số, thanh khoản. Đóng cửa phiên 27/2, VN-Index tăng 13,29 điểm (1,09%) lên 1.237,46 điểm. Thanh khoản cũng gia tăng, giá trị khớp lệnh HoSE hơn 21.462 tỷ đồng. Hầu hết nhóm ngành đồng thuận đi lên, cổ phiếu vốn hoá lớn, các mã trụ cột hút dòng tiền. Riêng HPG giao dịch hơn 2.621 tỷ đồng, cao nhất toàn sàn, chiếm hơn 11% thanh khoản HoSE.
Các ngành có sức ảnh hưởng như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… cùng ghi nhận cổ phiếu khởi sắc. Đà tăng của VN-Index không gặp trở ngại, giằng co quá mạnh, dù chiều nay là thời điểm cổ phiếu mua thứ 6 tuần trước (phiên điều chỉnh mạnh) về tài khoản nhà đầu tư, có lợi nhuận nhất định.
Nhận định về phiên giao dịch vừa qua, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam - chỉ ra đà tăng của thị trường tiếp tục duy trì, khi dòng tiền quay lại nhóm vốn hoá lớn. Điểm số, thanh khoản, và độ rộng đều thiện, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư.
Với việc VN-Index tiệm cận đỉnh cũ, ông Minh cho rằng việc điều chỉnh có thể xảy ra, tuy nhiên áp lực không lớn. Trong khi đó, đà tăng của thị trường đang được hỗ trợ bởi nhóm vốn hoá lớn như ngân hàng, chứng khoán, thép. Khả năng VN-Index vượt 1.245 điểm là có, khi dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn.
Theo ông Minh, thị trường còn điểm sáng khác là thanh khoản, đang duy trì trên mức 19.000 tỷ đồng. Lãi suất thấp, tâm lý nhà đầu tư lạc quan khi đầu tư có lãi kích thích dòng tiền chảy mạnh hơn vào chứng khoán. “Nhà đầu tư đáo hạn sổ tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất tiền gửi rất thấp, chưa tới 5%/năm, khiến họ tìm kiếm kênh đầu tư rủi ro cao hơn, lợi nhuận tốt hơn. Cổ phiếu là lựa chọn hấp dẫn thời điểm này, trong khi trái phiếu thanh khoản chưa cao, rủi ro kéo dài từ các năm trước”, ông Minh phân tích.
Thị trường tích cực, lãi vay margin đã giảm gần 50% so với năm ngoái, nhiều công ty có ưu đãi cho vay 6-8%/năm. Vấn đề có nên dùng đòn bẩy lúc được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh, việc sử dụng margin vẫn cần cân đối để đạt lợi nhuận tốt, và phòng ngừa rủi ro. Lãi suất margin có khuynh hướng giảm từ cuối năm 2023, lý do chủ yếu là lãi suất tiết kiệm ở mức thấp.
“Margin thường được nhà đầu tư tăng tốc sử dụng khi thị trường bứt phá, thanh khoản cao, có phần tương đồng với diễn biến chứng khoán hiện tại. Năm 2024, xu hướng tăng của thị trường dự báo bền vững hơn, nhưng nhà đầu tư cần lưu ý, chỉ nên vay margin tập trung vào nhóm vốn hoá lớn, ngành có câu chuyện, như ngân hàng, chứng khoán, thép” - ông Minh nói.
Về dòng tiền, nhóm phân tích của Chứng khoán SSI cho rằng, lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Tiền gửi tại ngân hàng vẫn tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế. Dòng vốn này có thể quay lại thị trường chứng khoán trong các giai đoạn của năm 2024.
Sau phiên tăng 13 điểm của VN-Index, chuyên gia từ Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, những phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục quán tính tăng điểm, trở lại vùng 1.250, đi kèm với những phiên rung lắc.
Ở góc nhìn trung và dài hạn, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội nhận định VN-Index đang dần vận động để hình thành kênh tích lũy rộng trung hạn 1.150 điểm - 1.250 điểm. Hiện tại, VN-Index gần như tiệm cận vùng cản trên của kênh tích lũy nên rủi ro trong ngắn và trung hạn đang tăng lên.
Nhà đầu tư ngắn hạn không nên mua đuổi trong các phiên tăng điểm và có thể xem xét chốt lãi dần các mã đã đạt mục tiêu ở giai đoạn hiện tại, vì rủi ro thị trường vào nhịp giảm ngắn hạn là cao.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)