Tuy vậy, dòng tiền không rời bỏ chứng khoán, khi đang có tới hơn 70.000 tỷ đồng vẫn nằm im trong tài khoản nhà đầu tư và chờ đợi.
Anh Lê Minh, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, anh đang có số dư tiền khá lớn trong tài khoản chứng khoán và chưa có kế hoạch giải ngân trong ngắn hạn. Dù bạn bè, môi giới của công ty chứng khoán nơi anh mở tài khoản khuyên nên đầu cơ vào một số cổ phiếu lướt sóng, nhưng anh Minh khẳng định: “Tôi không đầu tư theo, vì rủi ro quá lớn”.
Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều NĐT cũng thể hiện quan điểm giữ tiền trong giai đoạn này. Một NĐT cho biết, sẽ “cai nghiện” chứng khoán tới khi thị trường tạo đáy an toàn. Theo vị này, thị trường đang giai đoạn nhùng nhằng.
Tâm lý NĐT nhìn chung khá thận trọng, phản ánh ngay vào thanh khoản thị trường. Thanh khoản trong nửa đầu tháng 7 tiếp tục giảm so với tháng 6. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên (chỉ tính khớp lệnh) trên HoSE trong nửa đầu tháng 7 giảm 22% so với tháng 6, và giảm hơn 60% so với bình quân giai đoạn thanh khoản sôi động trước đó (từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022).
Số liệu từ nền tảng FiinTrade cũng cho hay, tổng hợp báo cáo tài chính quý 2/2022 của hơn 30 công ty chứng khoán cho thấy, số dư tiền gửi của NĐT cá nhân tại các công ty chứng khoán vẫn ở mức cao, lên đến 70.000 tỷ đồng. Số dư này cao hơn giai đoạn trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Những ngày qua, giá trị giao dịch trên HoSE chỉ quanh mức 8.000 tỷ đồng, thanh khoản rất “hẻo” và tiếp tục sụt giảm, nhiều nhà đầu tư đang nhụt chí, nản lòng và muốn rời bỏ thị trường
Tuy nhiên, theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, đây là giai đoạn cần chờ đợi thêm tín hiệu, bởi tăng trưởng của thị trường chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào dòng tiền.
Ông Điệp cho rằng, dòng tiền sẽ luôn hướng đến các kênh đầu tư khác nhau. Thanh khoản chứng khoán giảm mạnh, đa số tiền trong tài khoản của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang chờ để bắt đáy.
Ông Điệp phân tích thêm, 6 tháng qua, rất hiếm người đạt hiệu suất đầu tư dương. Những người thành công nhất hiện nay lại là những người yên vị ở ngoài thị trường. “Nhưng họ có còn đúng trong dài hạn hay không? Như đã nói ở trên, tiền khó có thể giữ mãi ở trạng thái tiền mặt được, sớm muộn gì cũng phải đổ vào thị trường. Chừng nào chứng khoán còn thể hiện đủ sức hấp dẫn, thì dòng tiền sẽ không bỏ qua”, ông Điệp nhấn mạnh.
TS Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, chu kỳ T+2 (khoảng thời gian 2 ngày làm việc để thực hiện giao dịch và thanh toán chứng khoán) được triển khai sẽ giúp giao dịch được thực hiện nhanh hơn. Chu kỳ thanh toán được rút ngắn cũng được kỳ vọng tạo ra những tác động tích cực lên thanh khoản thị trường, vòng quay giao dịch của nhà đầu tư sẽ tăng lên.
Nửa cuối năm 2022, ông Lực nhận định, cơ hội với thị trường chứng khoán còn đến từ đà phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết. ông khuyến nghị, để có lợi nhuận, NĐT nên chọn đầu tư dài hạn.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)