Phiên giao dịch ngày 29/12 cũng là phiên giao dịch cuối của năm 2017, khép lại một năm khởi sắc của cả nền kinh tế và thị trường chứng khoán với hàng loạt những kỷ lục lớn.
VN-Index đóng cửa năm 2017 ở 984,24 điểm
Năm 2017 chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục của TTCK Việt Nam khi chỉ số chung của thị trường VN-Index liên tục phá đỉnh. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong năm, VN-Index đạt 984,24 điểm, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
So với đầu năm, chỉ số này đã tăng gần 50%, qua đó giúp TTCK Việt trở thành một trong ba thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới trong năm qua.
Phiên giao dịch cuối cùng trong năm 2017 cũng là phiên chỉ số VN-Index lên cao nhất trong năm và cũng là đỉnh trong 10 năm trở lại đây của TTCK Việt. Nguồn: VNdirect.
Cùng với việc phá đỉnh trong 10 năm, hàng loạt doanh nghiệp với vốn hóa hàng chục nghìn tỷ đồng niêm yết năm qua cũng tạo ra thanh khoản rất lớn trên thị trường.
Phiên giao dịch ngày 17/10 đã ghi nhận dòng tiền lớn đổ vào thị trường lên tới gần 7.000 tỷ đồng, đẩy các chỉ số chính trên cả hai sàn đồng loạt tăng điểm.
732 doanh nghiệp niêm yết, vốn hóa trên 125 tỷ USD
Hiện tại, trên 2 sàn giao dịch chính thức HOSE và HNX có tổng cộng 732 doanh nghiệp đã niêm yết. Trong năm 2017, nhiều cái tên với vốn hóa lớn đồng loạt lên sàn như Petrolimex (PLX), Vietnam Airlines (HVN), Vietjet Air (VJC), Vincom Retail (VRE), hay những nhà băng như VPBank, VIB… đã giúp thị trường có thêm một lượng lớn cổ phiếu, đẩy vốn hóa toàn thị trường tăng cao.
Phiên giao dịch cuối cùng trong năm kết thúc với sự tăng giá của những ông lớn như Sabeco, Vinamilk, Vietcombank hay Vincom Retail… Tuy nhiên, vẫn có tới 201 cổ phiếu doanh nghiệp giảm giá, trong đó có 12 mã giảm sàn. Nhiều ông lớn như PVGAS, Vingroup hay Vietinbank cũng có phiên giao dịch cuối cùng không khởi sắc.
Cuối cùng, vốn hóa sàn chứng khoán Việt khép lại năm 2017 ở mốc 2,84 triệu tỷ đồng, tương đương 125 tỷ USD.
Trong năm 2018, TTCK sẽ tiếp nhận hàng loạt đợt IPO, niêm yết lớn như PVOil, PVPower, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Vicem, Thaco…
Đặc biệt, chỉ trong tháng 1/2018, 3 đợt IPO của các doanh nghiệp họ dầu khí đã có giá trị lên tới 1 tỷ USD, hứa hẹn quy mô thị trường chứng khoán Việt sẽ còn tăng mạnh trong năm 2018.
Nhà đầu tư nước ngoài rót ròng 1,2 tỷ USD vào Việt Nam
Nhiều chuyên gia nhận định rằng thị trường trong năm 2017 đã minh bạch hơn và hấp dẫn hơn rất nhiều trong mắt giới đầu tư kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán Việt đã hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư nước ngoài trên cả 3 sàn chứng khoán.
Đây cũng là mức vốn mà các nhà đầu tư nước ngoài đổ ròng vào thị trường Việt Nam lớn nhất kể từ khi thị trường này được tạo lập. Những mã cổ phiếu được khối ngoại gom nhiều nhất năm qua phải kể tới VRE, VNM, DIG, VJC…
Doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất, cổ phiếu giá cao nhất
Vinamilk trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường năm 2017 ước đạt 302.773 tỷ đồng (xấp xỉ 13,3 tỷ USD), chiếm hơn 11% tổng vốn hóa toàn thị trường hiện nay.
Xếp ngay sau Vinamilk là một ông lớn trong ngành bất động sản là Vingroup với vốn hóa ước đạt 203.895 tỷ đồng (xấp xỉ 9 tỷ USD).
Dù trong suốt những tháng cuối năm vị trí thứ hai thường xuyên thuộc về Sabeco, sau khi về tay người Thái, cổ phiếu SAB đã tụt dốc rất nhanh. Điều này khiến vốn hóa doanh nghiệp "bốc hơi" hàng chục nghìn tỷ đồng chỉ trong vài phiên giao dịch. Hiện tại, vốn hóa của Sabeco chỉ xếp thứ 5 với giá trị đạt 159.871 tỷ đồng, xếp sau Vietcombank và PVGAS.
Hiện tại, 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất cũng chiếm tới gần 57% tổng vốn hóa toàn TTCK Việt.
Trong khi đó, cổ phiếu VCF của CTCP Vinacafe Biên Hòa chính là cổ phiếu có thị giá cao nhất tại năm 2017. Cụ thể, đóng cửa phiên cuối cùng trong năm, VCF được giao dịch với giá 265.000 đồng/cổ phiếu.
Dù đã giảm giá nhiều so với trước khi bị Thaibev thâu tóm, cổ phiếu SAB của Sabeco vẫn là mã có thị giá cao thứ 2 trên sàn chứng khoán với giá 249.300 đồng/cổ phiếu. Xếp sau lần lượt là VCS có giá 232.000 đồng; CTD được giao dịch ở mức 226.500 đồng và VNM là 208.600 đồng.
Ai giàu nhất Việt Nam?
Thị trường chứng khoán 2017 khép lại cũng là lúc người giàu nhất lộ diện.
Theo đó, nhờ đà tăng của bộ 3 cổ phiếu ROS, FLC và ART trong ngày cuối cùng, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC đã kịp bỏ túi thêm hơn 3.700 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng tài sản trên sàn chứng khoán của mình lên mức 58.851 tỷ đồng và chính thức là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp ông vượt qua tỷ phú Phạm Nhật Vượng để trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt.
Trong khi đó, mức giảm 0,1% của VIC trong phiên giao dịch cuối cũng khiến ông chủ doanh nghiệp này mất hơn 72 tỷ đồng. Hiện ông Vượng là người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt tính theo số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp ước đạt 55.963 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ước tính từ Forbes, tài sản ròng của ông Vượng hiện lên tới 4,3 tỷ USD, là tỷ phú giàu nhất Việt Nam (trong số những người được thống kê), hiện xếp thứ 501 thế giới.
Thương vụ IPO, thoái vốn kỷ lục
Những phiên giao dịch cuối năm cũng chứng kiến hàng loạt thương vụ tỷ USD từ những đợt IPO cho tới thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đó, ngày 6/11 vừa qua, 1,9 tỷ cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail đã niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu ngày đầu tiên 33.800 đồng/cổ phiếu. 1 ngày sau đó, gần 415 triệu cổ phiếu VRE được thỏa thuận giao dịch, tương đương gần 17.000 tỷ đồng được trao tay chỉ trong 1 ngày thông qua VRE. Trong đó, riêng khối ngoại mua 397 triệu đơn vị và bán ra 260 triệu (do 2 cổ đông ngoại là Warburg Pincus Investments và Credit Suisse Singapore Branch).
Điều này giúp VRE trở thành mã cổ phiếu có khối lượng và giá trị giao dịch trong một phiên cao nhất trong lịch sử hơn 20 hình thành của TTCK Việt.
Cùng với đó, thương vụ thoái vốn của Bộ Công thương tại Sabeco chính là thương vụ thoái vốn Nhà nước lớn nhất trong lịch sử thị trường khi mang về xấp xỉ 5 tỷ USD.
Với việc bán hơn 53% vốn Sabeco cho Vietnam Beverage (do ThaiBev gián tiếp sở hữu 49%), Bộ Công thương đã thu về khoản tiền hơn 110.000 tỷ đồng.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)