Chủ tịch SSI: “Brexit không đến mức như một cuộc khủng hoảng”

29/06/2016 13:50:00

“Nhiều người sợ hãi không phải vì hiểu rõ Brexit, mà đơn thuần sợ vì thấy người khác sợ”, ông Nguyễn Duy Hưng nói với VnEconomy...

“Nhiều người sợ hãi không phải vì hiểu rõ Brexit, mà đơn thuần sợ vì thấy người khác sợ”, ông Nguyễn Duy Hưng nói với VnEconomy...
 
Chủ tịch SSI: “Brexit không đến mức như một cuộc khủng hoảng”

Thị trường tài chính toàn cầu đang cho thấy dấu hiệu tích cực hơn khi các chỉ số chứng khoán lớn đồng loạt hồi phục sau phiên giao dịch “thứ Sáu đen tối” ngày 24/6, khi cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU), sự kiện hay được gọi là Brexit - ghép giữa hai từ Britain (nước Anh) và exit (rời khỏi).


Trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, Phố Wall “chuyển xanh” với mức tăng từ 1,8% đến 2,1% ở ba chỉ số chứng khoán chính. Chỉ số Stoxx Europe 600 của chứng khoán châu Âu tăng 2,6%, sau khi giảm gần 11% trong hai phiên trước đó. 

Chứng khoán châu Á cũng hồi phục tích cực, trong đó chỉ số Nikkei 225 sáng 29/6 tăng gần 2%.

Tại thị trường Việt Nam, tính đến hết phiên giao dịch buổi sáng 29/6, chỉ số Vn-Index tăng hơn 1% với sắc xanh trở lại bảng điện tử.

Đáng chú ý, sau sự kiện Brexit, khối ngoại bán ròng 48 tỷ đồng phiên 24/6 nhưng trở lại mua ròng liên tiếp hai phiên. Tính chung ba phiên sau sự kiện Brexit, khối ngoại mua ròng 69 tỷ đồng.

Đánh giá về sự bình tĩnh trở lại của thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - cho rằng tác động của Brexit xét về bản chất là một sự thay đổi thể chế, khi đa số cử tri nước Anh muốn rời EU.

“Anh là nền kinh tế lớn, là trung tâm tài chính thế giới chỉ sau New York, nên có sức đề kháng tốt. Việc tách ra khỏi EU cũng có những mặt tích cực với người dân Anh, chứ không chỉ toàn những điều xấu”, ông Hưng nói.

“Tôi nghĩ, Brexit sẽ không gây hậu quả đến mức mà mọi người vẫn đang mô tả là như một cuộc khủng hoảng. Cho dù, bất cứ sự thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng đến lòng tin, dẫn tới ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Điều đó đã phản ánh qua diễn biến hai phiên giao dịch 24 và 27/6”.

Sắp tới, tình hình tốt hay xấu phụ thuộc vào đàm phán song phương giữa Anh và EU. Thế giới vẫn cần Anh, cũng như Anh vẫn cần thế giới, Chủ tịch SSI nhìn nhận.

Cũng theo ông Hưng, đối với Việt Nam, Brexit gây ảnh hưởng lớn nhất tới các công ty đa quốc gia đang sản xuất hàng xuất khẩu, chứ không phải là toàn bộ các công ty.

“Tóm lại, Brexit đã ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính toàn cầu, đến nền kinh tế toàn cầu. Nhưng, nếu sợ hãi như những gì đang diễn ra là quá mức cần thiết. Nhiều người sợ hãi không phải vì hiểu rõ Brexit, mà đơn thuần sợ vì thấy người khác sợ”, ông Hưng nhìn nhận.

Trước đó, trao đổi với VnEconomy hôm 15/6, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng sự kiện Brexit nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn nhất và trước nhất tới châu Âu.

“Tất nhiên thị trường tài chính toàn cầu liên thông đến nhau, nên sự ảnh hưởng tiêu cực của vùng nào cũng ảnh hưởng tới các vùng khác, nhưng chỉ là trong ngắn hạn.  Thị trường tài chính phụ thuộc niềm tin, nếu niềm tin bền vững thì dòng vốn mua vào, nếu bất ổn thì phản xạ đầu tiên là bán ra. Nhưng việc “cất tiền” đó cũng khộng hẳn là an toàn, và sau đó họ sẽ phải tính lại. Điều này có thể diễn ra trong ngắn hạn, sẽ bị ảnh hưởng toàn bộ, nhưng trong trung hạn theo tôi sẽ được “reset” (ổn định) lại”, ông với VnEconomy hôm 15/6.

 
Theo Duy Cường (VnEconomy.vn)

Nổi bật