Bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho rằng cách mạng 4.0 chưa ảnh hưởng đến công nghiệp Việt Nam và trước tiên cần làm tốt 3.0 để nâng cao năng suất.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE cho rằng không nên quá mơ tưởng nói về những điều cao siêu của 4.0. |
"Tôi nhớ giai đoạn 2007-2008, dòng vốn đổ về Việt Nam cực kỳ lớn nhưng chúng ta không dùng nó để xây dựng được cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 thành công. 4.0 chưa thể ảnh hưởng đến công nghiệp ở những ngành như may mặc, da giày... Tôi thấy khó có động lực nào để làm một con robot chỉ để gia công chiếc giày, cái áo cả", bà Mai Thanh chia sẻ.
Ngược lại, theo lãnh đạo REE, thay vì mơ tưởng những điều cao siêu mà chưa thực sự hiểu đích đến của nó, Việt Nam nên quay lại củng cố cuộc cách mạng 3.0 với mục tiêu nâng cao năng suất lao động. "Chúng tôi vừa làm một công trình ở Đức. Đối tác ở bên đó nói rằng nếu những công nhân này được nước Đức đào tạo thì công trình đó có thể sẽ làm nhanh hơn được 5 tháng", bà Thanh kể.
Thực tế, báo cáo mới đây của HSBC cũng cho thấy, nếu so sánh với Mỹ, năng suất của Việt Nam năm 2016 chưa bằng 10% của Mỹ,
Trong khi đó, ông Ngô Đăng Khoa Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngoại hối và Thị trường vốn HSBC Việt Nam lại cho rằng "không thể nào đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0", đặc biệt khi Việt Nam có dân số trẻ và có nhiều tiềm năng chuyển đổi lao động từ công nghiệp qua những ngành khác. "Tuy nhiên, để làm được, ngoài nâng cao kỹ năng cho người lao động để cải thiện năng suất thì Việt Nam cũng cần có hành lang pháp lý, tạo môi trường và hệ thống sinh thái để khuyến khích mọi người nghiên cứu, chia sẻ thành tựu khoa học", ông Khoa nói.
Đồng quan điểm này, ông Trần Đình Thiên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng không cần bàn cãi Việt Nam có vào được 4.0 hay không mà chắc chắn phải tham gia. "Việt Nam hoàn toàn có cơ hội, miễn là hành động. Lâu nay chúng ta mất cơ hội vì nói xong không làm gì. Tinh thần là Việt Nam sẽ có những tiếp cận 4.0 một cách hiện thực và có chiến lược chính sách rõ ràng", ông Thiên cho hay.
Cũng tại hội thảo, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,7% của Chính phủ được các chuyên gia đưa ra phân tích. Trong khi HSBC vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng Việt Nam khó đạt con số này, thậm chí chuyên gia của ngân hàng còn hạ dự báo GDP tăng từ 6,4% xuống 6%.
Dù thừa nhận mình không thích phương án tăng trưởng quyết đạt 6,7% lắm nhưng ông Trần Đình Thiên cho rằng khả năng Việt Nam sẽ đạt được chỉ tiêu này vì Chính phủ và các Bộ, ngành đang rất nỗ lực, quyết tâm. Ngoài ra, ông Thiên cũng nêu những lo ngại về khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp Việt Nam. "Vốn đầu tư công 8 tháng mới giải ngân được hơn 40%, cho thấy khả năng hấp thụ tín dụng kém. Chưa kể thủ tục giải ngân cũng vướng mắc. Nếu bơm ra mà hấp thụ không tốt sẽ làm méo mó dòng vốn", ông Thiên nói.
Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu khống chế tăng trưởng tín dụng ở 17-20% nhưng có thể sẽ lên tới 22% để kích thích tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7%.
Theo Thanh Thanh Lan (VnEpress.net)