Chủ tịch Quốc hội: Không có quốc gia nào quản lý nợ công giống Việt Nam với 1 người vay, 1 người dùng, 1 người trả

31/05/2017 07:24:00

“Đi vay mà tới hạn trả nợ không trả được phải đi vay để trả thì là không an toàn kể cả chưa đến mốc 65% GDP”, người đứng đầu Quốc hội phân tích trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) chiều ngày 30/5.

“Đi vay mà tới hạn trả nợ không trả được phải đi vay để trả thì là không an toàn kể cả chưa đến mốc 65% GDP”, người đứng đầu Quốc hội phân tích trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) chiều ngày 30/5.

Chủ tịch Quốc hội: Không có quốc gia nào quản lý nợ công giống Việt Nam với 1 người vay, 1 người dùng, 1 người trả


Đó là lời của Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên thảo luận tổ về Luật quản lý nợ công (sửa đổi) chiều ngày 30/5.

"Cái tồn tại lớn nhất của quản lý nhà nước về nợ công là gì? Đó là 3 cơ quan cùng làm việc quản lý nợ công. Một người đi đàm phán đi vay, một người về phân bổ số nợ vay, một người đi trả nợ. Một bất hợp lý mà chẳng có quốc gia nào giống chúng ta", Chủ tịch Quốc hội nói về thực trạng hiện nay 3 bộ cùng quản lý nợ công.

Theo quy định trong Luật Quản lý nợ công 2009, Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nợ công, chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận vay cụ thể (trừ các thỏa thuận vay với các tổ chức tài chính quốc tế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì). Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thống nhất quản lý vốn vay ODA, trong đó chủ trì vận động, điều phối, đàm phán ký kết các hiệp định khung về ODA và vay ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện vai trò chủ trì đàm phán ký kết các hiệp định vay ODA với các tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á).

Tuy nhiên thực tế hiện nay việc huy động vốn vay nợ công bị phân tán ngay trong các quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ, trong đó trực tiếp liên quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính nên không đảm bảo quản lý thống nhất, làm giảm hiệu quả và tính chuyên nghiệp công tác quản lý nợ công, gây khó khăn cho công tác giám sát và kiểm soát rủi ro các chỉ tiêu an toàn nợ cũng như hạn chế trong việc gắn trách nhiệm giải trình đối với các hoạt động quản lý nhà nước về quản lý nợ công.

Chủ tịch Quốc hội giải thích thêm điều này một phần do đặc thù bộ máy tổ chức: "Ở các nước, Ngân hàng nhà nước không phải thành viên của Chính phủ, là ngân hàng trung ương của các ngân hàng. Đi vay là Bộ tài chính đàm phán đi vay, Bộ tài chính mới là người được cử nằm trong các tổ chức tiền tệ quốc tế như World Bank, IMF, ADB. Tất cả không phải là ngân hàng mà là tổ chức tài chính của quốc tế.

Do bộ máy, hệ thống của chúng ta, Ngân hàng nhà nước được xem là thành viên của chính phủ, cơ quan ngang bộ, thống đốc ngân hàng là thành viên chính phủ. Nên các cuộc họp thường niên các nước là đại diện Bộ tài chính còn Việt Nam là Thống đốc ngân hàng. Sau các cuộc họp thường niên thường có cuộc họp các bộ trưởng Bộ Tài chính thì Việt Nam cử Thứ trưởng đi vì ngồi chỗ kia là Thống đốc ngân hàng. Nên do tổ chức bộ máy nhà nước chúng ta khác nên bất hợp lý rất nhiều."

Cuộc cách mạng về quản lý nợ công

"Quốc hội lần này nếu sửa được sẽ tạo ra cuộc cách mạng về quản lý nhà nước về nợ công, may ra mới chấn chỉnh được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo bà Ngân, dự án Luật hiện nay vẫn thiết kế theo hướng 3 nhánh: 1 người đi vay, 1 người dùng, 1 người trả nợ. Cụ thể Điều 19 quy định Nhiệm vụ quyền hạn của Bộ tài chính là quản lý nhà nước về nợ công, lập kế hoạch vay, kế hoạch trả nợ công, tổng mức vay, lập để đảm bảo không quá khả năng ngân sách.

"Ở Việt Nam cứ giao cái gì cho ai làm quen thì khó cải cách. Người ta không nhả ra nhiệm vụ, chức năng đó, không ai buông ra. Nên mấu chốt vấn đề ngay tại điều 19, 20, 21", Chủ tịch Quốc hội nhận định.

Theo đánh giá của bà Ngân, hiện nay về mặt chỉ tiêu an toàn nợ công giám sát của Quốc hội cho thấy vẫn đảm bảo, cơ cấu nợ công tốt hơn nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề 3 cơ quan cùng quản lý nợ công. Thực ra có nước đi vay tới 200% GDP nhưng vẫn không sao hết do người ta có khả năng trả nợ. Nhật, Mỹ là 200% nhưng vẫn an toàn. Nên thực ra làm luật khó nhất là chức năng nhiệm vụ Bộ đó được thiết kế trong đó là gì.

"Chỉ tiêu 65% hay 50% do Quốc hội quy định theo từng thời kỳ nhưng bản chất an toàn nợ công là đi vay tiền, tới hạn, cân đối được để trả nợ thì mới là an toàn. Đi vay mà tới hạn trả nợ không trả được phải đi vay để trả thì là không an toàn kể cả chưa đến mốc 65% GDP", người đứng đầu Quốc hội phân tích.

Cơ cấu nợ công tốt như hiện tại là do sự quyết liệt của Quốc hội trước tình trạng vay nợ ngắn hạn trước đây của Chính phủ. "Ngày xưa vay ngắn hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm, vay về chưa phân bổ xong là tới hạn trả nợ. Đã có tình trạng chia xong, vốn chưa tới đã tới thời hạn trả nợ. Quốc hội thấy tình trạng vay để đáo hạn nên nghị quyết của Quốc hội rất đúng và kịp thời. Bộ tài chính đã tái cơ cấu lại nợ vay, không được vay kỳ hạn dưới 5 năm. Quốc hội không chấp nhận tình trạng đi vay hàng năm", bà Ngân nhắc lại.

Theo Thảo Nguyên (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật