Chủ tịch Nissan – Carlos Ghosn vừa bị bắt tối qua (19/11) tại Nhật Bản với cáo buộc sai phạm tài chính nghiêm trọng nhiều năm. Nissan cho biết, kết quả điều tra cho thấy Ghosn đã không khai báo đầy đủ thu nhập và sử dụng tài sản công ty cho mục đích riêng tư. Hãng xe Nhật nhiều khả năng sẽ miễn nhiệm chức Chủ tịch của ông trong vài ngày tới.
Trước đó, Carlos Ghosn được xem là một trong những lãnh đạo có ảnh hưởng hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp ôtô. Ngoài Nissan, ông cũng giữ vai trò Chủ tịch của Renault và Mitsubishi Motors.
Ghosn góp công lớn trong việc thành lập liên minh toàn cầu của ba hãng ôtô hàng đầu thế giới và cũng là động lực phía sau sự sáng tạo của tổ chức này. Hiện tại, liên minh Renault, Nissan và Mitsubishi Motors có 470.000 nhân viên, 122 nhà máy. Họ bán được hơn 10 triệu chiếc xe năm ngoái.
"Ông ấy chính là sự liên kết. Ghosn là thiên tài tạo ra tất cả điều này và thiết lập các thông số để điều hành các công ty", Rebecca Lindland – nhà phân tích cao cấp về ôtô tại Cox Automotive nhận định.
Carlos Ghosn sinh năm 1954 tại Lebanon. Năm 13 tuổi, ông chuyển đến Brazil vì cuộc sống khó khăn tại quê nhà. Đầu những năm 1970, Ghosn tiếp tục đến Paris (Pháp) học Đại học.
Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu sự nghiệp tại hãng lốp xe danh tiếng thời bấy giờ - Michelin. Ở đây, Ghosn dần trải qua các vị trí từ nhân viên đến lãnh đạo và làm việc tại nhiều thị trường của Michelin trên thế giới.
Carlos Ghosn là người giàu tham vọng. Năm 1996, ông quyết định rời Michelin để tới hãng xe Pháp – Renault sau 18 năm gắn bó, khi nhận ra khó có chỗ đứng trong một doanh nghiệp có truyền thống gia đình. Lúc ấy, Renault đang chìm trong khó khăn khi hoạt động không có lãi, các nhà xưởng lạc hậu, bộ máy nhân sự cồng kềnh... Chủ trương cắt giảm chi phí, nhân viên, đóng cửa một số nhà máy không hiệu quả của Ghosn đã giúp hãng xe nước Pháp hồi sinh và có lãi trở lại. Cũng chính vì lý do này mà Carlos Ghosn được gắn với biệt danh "Le cost killer" – "Sát thủ chi phí".
Năm 1999, Ghosn lại đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ đối tác giữa Renault và Nissan. Chủ tịch Nissan - Louis Schweitzer cử ông tới Nhật Bản để đàm phán với Nissan. Sau đó, Ghosn đảm nhiệm vai trò CEO Nissan trong bối cảnh hãng xe này đang đứng bên bờ vực phá sản. Nissan lúc đó nợ hơn 2.000 tỷ yen ( khoảng 17 tỷ USD), cổ phiếu liên tục mất điểm, các sản phẩm không có chỗ đứng trên thị trường....
"Nissan là một điều hoàn toàn khác. Đây là một tình huống phải hành động hoặc là chết ", Ghosn nói về tình cảnh của hãng xe Nhật khi ấy so với những khó khăn từng gặp phải ở Michelin hay Renault.
Tháng 10/2000, nhà lãnh đạo mới thông báo kế hoạch tái thiết Nissan và đã cải tổ toàn diện doanh nghiệp này. Với biệt tài của mình, Ghosn đã cắt giảm hàng nghìn nhân viên, đóng cửa nhà máy, tối giản chi phí sản xuất và thiết lập lại quan hệ với các đối tác, nhà cung cấp.
Nhờ đó, Nissan dần có lãi và giảm nợ chỉ sau hai năm. Đến 2005, hãng xe đã hoàn thành kế hoạch bán một triệu xe. Cũng trong năm đó Ghosn trở thành Chủ tịch kiêm CEO Renault. Nhờ vậy, ông là nhà lãnh đạo đầu tiên trên toàn cầu điều hành đồng thời cả hai doanh nghiệp nằm trong danh sách Fortune Global 500. Ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nissan năm 2008.
Tháng 4/2016, CEO Mitsubishi Motors - Osamu Masuko đề nghị Ghosn hỗ trợ phục hồi hãng xe sau bê bối nhiên liệu. Chủ tịch Nissan đã quyết định thâu tóm 34% cổ phần tại Mitsubishi Motors để trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp đang gặp khó khăn này. Sau thương vụ trên, Mitsubishi Motors cũng chính thức gia nhập liên minh Renault – Nissan. Cuối năm 2016, Ghosn được bầu làm Chủ tịch Mitsubishi Motors.
Dù vậy, thu nhập của ông từ lâu vẫn là vấn đề rất phức tạp. Ghosn nhận lương của cả Renault, Nissan và Mitsubishi. Nhà lãnh đạo này từng bất đồng với Chính phủ Pháp về thù lao của mình tại Renault. Năm 2016, khi Tổng thống Pháp Macron còn làm Bộ trưởng Tài chính, ông đã buộc Renault giảm lương của Ghosn. Trong khi đó, các cổ đông cũng phản đối đề xuất thù lao của Ghosn vài năm gần đây.
Tại Nissan, ông cũng nhận được lương cao hơn hầu hết lãnh đạo cao cấp khác. Điều này có thể tạo nên sự bất đồng trong nội bộ doanh nghiệp Nhật Bản. Tờ Kyodo cho biết, Ghosn bị bắt bắt hôm qua do bị nghi đã không khai báo đầy đủ khoản thu nhập 5 tỷ yen (44 triệu USD) trong 5 năm.
Hồi tháng 9, ông thông báo sẽ giảm vai trò tại các công ty thành viên, trong khi vẫn tiếp tục đứng đầu liên danh kể trên. Năm ngoái, Ghosn đã từ chức CEO của Nissan và thông báo có thể tiếp tục rời bỏ vị trí này tại Renault trước khi kết thúc nhiệm kỳ 4 năm kéo dài đến 2022.
Theo Tú Anh (VnExpress.net)