Người đứng đầu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - ông Nguyễn Hoài Giang cho rằng đề xuất giảm thuế mà doanh nghiệp đưa ra là chính đáng nhằm tạo sự bình đẳng giữa sản phẩm trong nước và nhập khẩu.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất) để làm rõ những vấn đề của nhà máy này.
Ông Nguyễn Hoài Giang cho biết một thùng dầu diesel của Dung Quất có giá cao hơn 4-5 USD so với hàng nhập khẩu. |
-Trong văn bản gửi lên các bộ ngành gần đây, PetroVietnam khẳng định các sản phẩm của Dung Quất không thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Ông có thể giải thích rõ về việc này?
- Đến nay, chúng tôi đã gửi hơn 10 báo cáo, công văn đến các bộ ngành để xem xét gỡ khó cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nút thắt nằm ở chính sách thuế áp dụng của Việt Nam. Từ đầu năm 2016, đúng theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu đối với sản phẩm dầu diesel và nguyên liệu bay Jet A1 về 0%, trong khi vẫn áp dụng đối với nhà máy là 10%.
Chính vì vậy, giá sản phẩm làm ra của Dung Quất đắt hơn 10% so với ngoại nhập. Tôi lấy ví dụ, mỗi thùng dầu có khoảng 159 lít được Dung Quất chế biến ra đến thị trường có giá đắt hơn 4-5 USD so với hàng nhập. Vì vậy, sản phẩm của chúng tôi không có cửa để cạnh tranh với các sản phẩm xăng dầu của các nước trong khu vực.
- Trong năm 2015, Lọc dầu Dung Quất nhiều lần "dọa" đóng cửa nếu không giảm thuế. Ông giải thích như thế nào về việc công ty vẫn vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong khi liên tục đòi giảm thuế?
- Dự án lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư hàng tỷ USD, với dây chuyền kỹ thuật phức tạp, quy mô lớn, khác hẳn với việc đầu tư mở nhà hàng, hay quán cà phê nên tất cả các vấn đề của nhà máy phải được hoạch định từ trước đó, không thể nước đến chân mới nhảy được.
Về vấn đề thuế suất, chúng tôi đã nhìn thấy nguy cơ từ năm 2015 và bắt đầu có kiến nghị đến cơ quan chức năng. Theo ATIGA, thuế nhập khẩu năm 2015 giảm xuống 20% với xăng và diesel, Jet A1 là 10%. Vì vậy không ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của công ty nên doanh thu Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt 95.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.000 tỷ. Nếu thuế suất không giảm, kết quả kinh doanh còn tăng cao hơn nhiều.
Dung Quất là dự án công nghiệp lớn, hoạt động 24/24 không ngừng nghỉ giây phút nào. Vì vậy, chúng tôi phải liên tục kiến nghị để chuẩn bị trước chứ đợi đến lúc tạm dừng nhà máy thì hậu quả rất khôn lường cho đất nước.
Đầu năm 2016, những khó khăn đã hiện hữu khi thuế suất diesel và Jet A1 nhập từ ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc về 0% trong khi mức thuế với Dung Quất vẫn giữ nguyên. Điều này không công bằng và gây khó khăn tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2016. Công ty gửi đơn kêu cứu suốt từ năm 2015, khi nhà máy đang lãi lớn mà chưa được thông qua, chứ đợi thuế giảm mới kiến nghị thì rất nguy hiểm.
- Theo lộ trình của ATIGA đến năm 2021 thuế nhập khẩu xăng từ các nước khu vực mới về 0%. Tại sao trong văn bản kiến nghị, PetroVietnam lại cho rằng sản phẩm xăng cũng đang gặp khó?
- Thông tư 20 của Bộ Tài Chính ban hành ngày 16/12/2015 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, thuế nhập khẩu với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc cũng được áp dụng là 10%, trong khi thuế với từ Dung Quất vẫn là 20%. Trong khi số lượng nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc ngày càng lớn. Các đầu mối nhập khẩu mặt hàng này đang chuyển hướng nhập khẩu sang đây để hưởng ưu đãi về thuế. Thời gian tới, thoả thuận với Nhật Bản cũng sẽ đưa thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ nước này về 10%. Như vậy, xăng của Dung Quất sao cạnh tranh nổi.
- Nói là thuế đối với sản phẩm xăng dầu từ Dung Quất là 10-20%, song thực tế doanh nghiệp vẫn được hưởng phần ưu đãi 3-7% giá bán từ khi hoạt động. Vậy những thua thiệt so với hàng nhập khẩu có thực sự lớn như ông nói?
Theo Bạch Dương (VnExpress.net)