"Chúng tôi sẽ kiện Grab, Uber sau lễ. Chúng tôi có đơn rồi, chờ gửi đơn thôi"
Đó là phát biểu của ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ánh Dương (Vinasun) tại ĐHĐCĐ tổ chức ngày 28/4. Một buổi đại hội đầy căng thẳng bắt đầu từ sáng tới hơn 13h trong ngày, không nghỉ giải lao.
Với rất nhiều câu hỏi của cổ đông, chủ yếu đề cập đến câu chuyện cạnh tranh với Uber và Grab, ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT Vinasun đã đưa ra những ý kiến sau một năm đầy sóng gió của Vinasun.
“Vấn đề là chúng ta đương mặt đối mặt và dám nhìn thẳng đối thủ, khó khăn là gì nhận diện đối thủ và đưa ra đấu pháp để làm sao để chiến thắng. Làm thế nào và làm phải quyết liệt như thế nào?
Mặc dù Grab Uber có phần mềm đi trước và chuyên nghiệp hơn Vinasun nhưng Vinasun từng bước có thể phong phú, đa dạng hơn về phần mềm. Tôi lấy thí dụ, ngoài chuyện xài card, Vinasun còn có đồng hồ. Trong khi đó Grab, Uber chỉ có cái card và nạp vào đó một số tiền thì mới sử dụng được dịch vụ của họ. Vậy là đối tượng khách hàng của Grab và Uber hẹp hơn Vinasun.
Ngoài ra, Grab, Uber hơn mình tiền.
Vinasun sẽ giải quyết thế nào?
Chúng tôi sẽ kiện Grab, Uber sau lễ. Chúng tôi có đơn rồi, chờ gửi đơn thôi.
Không những kiện, mười mấy ngàn công nhân của Vinasun sẽ kiện Grab và Uber. Một người kiện Grab và Uber chỉ là một thôi nhưng mười mấy ngàn người kiện lại là chuyện khác.
Mấy tháng nay tôi không quan tâm đến cổ phiếu. Gia đình tôi hơn 20 triệu cổ phiếu. Từ 34.000 đồng/cổ phiếu xuống 22.000 đồng, vậy có phải mất gần 30 tỷ đồng không.
Mình công không được rồi thì phải thủ. Thủ của Vinasun là không phá sản.
Thủ về phương pháp quản lý, quản trị. Từ chỗ đóng thuế từ 10% trên 5 ngàn tỷ trong năm nay, đóng thuế 10% của 1 ngàn tỷ. Đó là chuyển thế và là phương pháp để bảo vệ Vinasun không bị phá sản. Còn lợi nhuận bao nhiêu, còn chờ đợi nữa."
Một năm đầy khó khăn với Vinasun
Theo lãnh đạo công ty, năm 2016 là một năm đầy khó khăn đối với Vinasun. Trong năm qua, Vinasun tiếp tục nỗ lực phát huy thế mạnh của mình trong việc bảo vệ thị phần và phát triển kinh doanh.
Tuy nhiên, công ty cũng đã gặp rất nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh như 22 lần thay đổi giá xăng dầu, sức mua trên thị trường chưa được phục hồi, phát sinh rất nhiều các khoản phí, cùng với sự tăng giá của vật tư thay thế và chi phí khác như lương cơ bản, phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng 13% so với năm 2015.
Theo lãnh đạo Vinasun, nghiêm trọng nhất là việc tham gia bất hợp pháp vào thị trường taxi với các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh của các công ty nước ngoài như lợi dụng kẽ hở của các quy định hiện hành để kinh doanh taxi với số lượng hơn 18.000 chiếc, hạ giá và nâng giá một cách phi lý, dùng tiền để hỗ trợ, bù lỗ cho chủ xe, trì hoãn việc thực hiện các nghĩa vụ thuế… nhằm giành giật thị trường của các công ty taxi, trong khi đó, chúng ta phải tuân thủ hàng loạt các quy định của pháp luật đã thực sự gây khó khăn cho hoạt động của công ty.
Quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng tốt các cơ hội nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đề ra. Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo đã chủ động đưa ra các quyết sách kinh doanh phù hợp, đẩy mạnh việc củng cố và nâng cao năng lực của bộ máy điều hành. Tận dụng tốt nhất các ưu thế của mình để tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Công ty đã nhanh chóng từ Vinasun App và hệ thống tổng đài thông minh vào phục vụ khách hàng, tăng cường giám sát để nâng cao chất lượng phục vụ của lái xe, điều chỉnh giá cước linh hoạt, tăng số lượng và chất lượng xe kinh doanh taxi. Bên cạnh đó, công ty cũng thường xuyên mở rộng, khai thác hiệu quả các kênh phục vụ khách hàng như hệ thống điểm tiếp thị trực tiếp và gián tiếp, nâng cao chất lượng chăm sóc và phát triển khách hàng thân thiết qua hệ thống thanh toán online.
Năm 2017, cả doanh thu và lợi nhuận của Vinasun sẽ giảm mạnh
Năm 2017, Vinasun đưa ra một kế hoạch kinh doanh thấp hơn kế hoạch đề ra và thực hiện của các năm trước là 204,8 tỷ đồng, giảm 22% so với kế hoạch và giảm 34% so với thực hiện năm 2016.
Mục tiêu năm 2017, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.025 tỷ, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 204,8 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 12%. Đây đã là năm thứ 3 liên tiếp VNS đưa ra một kế hoạch lợi nhuận thụt lùi so với kế hoạch các năm trước đó.
Công ty cũng đặt ra mục tiêu tiếp tục dẫn đầu thị phần tại các địa bàn kinh doanh và phủ đều xe trên toàn bộ tuyến đường tại các địa bàn kinh doanh, đáp ứng nhanh chóng nhất nhu cầu của khách hàng.