Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đang là dự án BOT giao thông “tai tiếng” nhất thời gian gần đây khi liên tiếp vấp phải sự phản đối của người dân và các tài xế lưu thông qua khu vực.
Ông chủ thực sự đứng sau BOT Cai Lậy
Giám đốc của trạm BOT Cai Lậy là ông Nguyễn Phú Hiệp, người đồng thời là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang – đơn vị vận hành trạm thu phí BOT này.
Ông Hiệp cũng từng được nhắc tới nhiều với phát ngôn "tài xế phản đối là việc của họ, còn việc của chúng tôi là thu phí" khi trạm BOT Cai Lậy bị các tài xế sử dụng "chiến thuật" dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí.
Theo danh mục đầu tư, BOT Cai Lậy là một phần trong “Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh quốc lộ 1 và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT”.
Đây là dự án nhóm B, được khởi công từ ngày 20/2/2014.
Theo đăng ký ban đầu, dự án này do Liên danh CTCP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) và CTCP Đầu tư Thương mại và xây dựng giao thông 1 (Trico) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư theo hình thức BOT 1.398 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện tại, chủ đầu tư thực sự trong danh mục của BOT Cai Lậy lại là CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và Trico. Hai chủ đầu tư này góp tổng cộng 15% vốn xây dựng, tương đương 210 tỷ đồng, còn lại là tiền vay ngân hàng.
Trong số 210 tỷ đồng vốn chủ đầu tư, Công ty Bắc Ái góp 65% (136,5 tỷ đồng) và Trico góp 35% (73,5 tỷ đồng).
Như vậy, ông chủ thực sự chi phối BOT Cai Lậy hiện nay là Công ty Bắc Ái.
Đại gia bất động sản, hạ tầng giao thông
Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh, Công ty Bắc Ái thành lập từ năm 2004, tại Vĩnh Phúc với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo hồ sơ đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 10/7 vừa qua, Bắc Ái đã hoàn tất tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng.
Các cổ đông của Bắc Ái đều là cổ đông cá nhân, gồm ông Lê Văn Duẩn góp 5% vốn, ông Lê Thanh Bình nắm giữ 10%; ông Nguyễn Phú Hiệp – Giám đốc BOT Cai Lậy hiện nay, góp 3%.
Cổ đông lớn nhất là ông Lê Tiến Thắng với tỷ lệ sở hữu tới 82% vốn.
Tuy nhiên, lãnh đạo cao nhất tại Bắc Ái lại đang được giao cho một doanh nhân sinh năm 1992, là ông Nguyễn Tiến An – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bắc Ái.
Theo danh mục các dự án BOT giao thông, ngoài BOT Cai Lậy, Bắc Ái cũng đang tham gia vào một số dự án BOT, BT khác nằm trên quốc lộ 1.
Cụ thể, Bắc Ái hiện là một trong 4 liên danh nhà đầu tư tham gia đầu tư dự án BOT nhóm A - Dự án "Đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn Km 1125 - Km 1153, tỉnh Bình Định” (BOT Hoài Nhơn).
Theo đăng ký đầu tư, nhà đầu tư được xây dựng trạm thu phí để hoàn vốn. Mức phí dao động 35.000-210.000 đồng, trong thời gian dự kiến 22 năm 2 tháng, với lộ trình tăng phí 18%/3 năm.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 1.785 tỷ đồng, trong đó vốn tư nhân là 1.644,5 tỷ và vốn đầu tư Nhà nước là 140,75 tỷ đồng. Bắc Ái góp 69 tỷ đồng (29% vốn); TCT Thành An góp 74 tỷ đồng (31%); CTCP Đầu tư và phát triển Long Trung Sơn góp 48 tỷ đồng (20%), CTCP Đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC góp 48 tỷ đồng (20%).
Cuối năm 2015, liên danh CTCP Tư vấn đầu tư HNS Việt Nam – CTCP Đầu tư Văn Phú Invest và Bắc Ái được chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (quốc lộ 1 qua TP.HCM) với tổng mức đầu tư là 1.134 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bắc Ái cũng đang triển khai nhiều dự án bất động sản với tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng khác tại TP.HCM, như dự án 129 Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM) vốn đầu tư 1.089 tỷ; dự án 132 Đào Duy Từ (quận 10) vốn 362 tỷ; dự án 12 Kỳ Đồng (quận 3) vốn 122,5 tỷ đồng, dự án 582 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) vốn 161 tỷ đồng...
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)