Chủ thẻ VIB bị mất 1.526 USD, còn bị phạt lãi 88 triệu đồng

16/08/2016 15:16:00

Trong thời gian chưa phân định đúng/sai trong giao dịch ở nước ngoài từ thẻ phụ nghi ngờ bị hack, chủ thẻ VIB bị mất hơn 1.526 USD, còn bị phạt lãi tổng cộng 88 triệu đồng.

Trong thời gian chưa phân định đúng/sai trong giao dịch ở nước ngoài từ thẻ phụ nghi ngờ bị hack, chủ thẻ VIB bị mất hơn 1.526 USD, còn bị phạt lãi tổng cộng 88 triệu đồng.

Bỗng dưng mất hơn 1.500 USD trong tài khoản, ông P.D.C. lập tức khiếu nại đến VIB thì được ngân hàng cung cấp các giấy tờ chứng nhận giao dịch. Nhưng ông C. khẳng định chữ ký của chủ thẻ VIB đã thực hiện 3 giao dịch nói trên là giả mạo, hoàn toàn khác chữ ký mẫu trong thẻ và hợp đồng mở thẻ của mình và thẻ phụ của con gái.

 Thẻ phụ của ông P.D.C. - Ảnh do ông C. cung cấp
Thẻ phụ của ông P.D.C. - Ảnh do ông C. cung cấp

Tuy nhiên, trong các buổi làm việc, ông C. cho biết phía ngân hàng VIB khẳng định chưa có căn cứ để khẳng định các giao dịch trên là từ thẻ giả nên không chấp nhận giải quyết khiếu nại về quyền lợi theo đề nghị của ông C.

Sau 3 lần làm việc với ngân hàng vào cuối năm 2015, ông C. chưa rõ số tiền bị rút khỏi tài khoản sẽ được giải quyết ra sao và từ chối thanh toán số tiền gốc và lãi hàng tháng với số tiền hơn 8 triệu đồng. Sau gần 2 năm, lãi mẹ đẻ lãi con khiến số tiền lãi mà ông C. phải chịu đã lên đến 88 triệu đồng (bản sao kê tháng 7/2016). Không những thế, trong thời gian giải quyết tranh chấp, tất cả các thẻ tín dụng ông C. đã mở của các ngân hàng khác đều bị khoá với lý do có nợ xấu và hiện nay, ông C. không thể mở thẻ tín dụng tại bất kỳ ngân hàng nào.

Ông C. cũng cho biết phía VIB không cảnh báo về việc phải trả lãi cho khoản tiền 1.526,14 USD mà ông cho là bị đánh cắp từ năm 2014.

Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Giang, Giám đốc khối truyền thông VIB, cho biết đang cập nhật thông tin từ các bộ phận chuyên môn về trường hợp của khách hàng P.D.C. vì sự việc xảy ra đã lâu. Ông Giang cho hay VIB sẽ có thông báo chính thức với các cơ quan truyền thông về trường hợp này.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), cho rằng cách giải quyết của VIB là không hợp lý. Theo nguyên tắc, khi 2 bên có tranh chấp chưa phân định rõ đúng/sai thì việc yêu cầu khách hàng vẫn phải thanh toán trong thời gian tra soát giao dịch là không thỏa đáng. Trong trường hợp này, lỗi có thể ở 1 trong 3 bên là đơn vị chấp nhận thẻ, ngân hàng (có thể nghi ngờ lỗi do bảo mật của ngân hàng) và khách hàng nên đẩy mọi rủi ro cho ông C. là không hợp lý.

"Ngay cả khi kết quả tra soát cho thấy lỗi thuộc về khách hàng thì một ngân hàng khôn ngoan cũng nên thực hiện giảm lãi cho khách hàng chứ đừng nói chỉ có truy thu. Trên thực tế, ngân hàng nào cũng hô hào chăm sóc khách hàng, hướng đến khách hàng... nhưng sau những vụ việc cụ thể như thế này mới biết rõ nhà băng nào thực sự tôn trọng, quan tâm đến "Thượng đế"" - luật sư Trương Thanh Đức nói.

Theo T.Hà (Nld.com.vn)