Lô đất rộng đến 8.300 m2 tại hồ Con Rùa, TP.HCM thuộc sở hữu của Công ty cổ phần TM DV Quảng trường Quốc tế (ISC).
Thông tin từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết sẽ bán đấu giá toàn bộ số cổ phần tương đương 30% vốn tại ISC. Qua đó, nhiều ông lớn khác đang nắm trong tay cổ phần của lô đất trên lộ diện.
Đất công được sở hữu dưới một "liên minh"
Với diện tích lên đến 8.300 m2, đây là lô đất có diện tích lớn hiếm hoi ở vùng lõi trung tâm TP.HCM. Theo tìm hiểu, quỹ đất này thuộc sở hữu của ISC, tuy nhiên bên trong việc sở hữu này của ISC lại ẩn chứa một liên minh nhiều doanh nghiệp lớn khác dưới nhiều hình thức khác nhau.
ISC có trụ sở ngay trên khu đất này, địa chỉ số 1, Công trường Quốc tế, phường 6, quận 3, TP.HCM. Đây là doanh nghiệp được thành lập năm 2009 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
ISC đăng ký hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ hàng hoá ở các cửa hàng chuyên doanh, hàng thủ công mỹ nghệ, bán lẻ dầu hoả, than nhiêu liệu dùng cho gia đình… tổng cộng có đến 56 danh mục đăng ký hoạt động. Dẫu vậy, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp này vẫn là khu đất nằm ở vị trí đắc địa nêu trên.
Điều bất ngờ, người đại diện pháp luật của ISC là ông Diệp Dũng, hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op. Được biết, cơ cấu vốn của ISC bao gồm Saigon Co.op nắm giữ hơn 50%, Sawaco sở hữu 30%, số còn lại thuộc về các pháp nhân khác.
Gần đây, liên minh này cũng có nhiều biến động về cơ cấu vốn sở hữu khi một số cổ đông đã chuyển nhượng cổ phần. Cụ thể, tháng 3/2017, Công ty cổ phần vận tải biển Sài Gòn (SGS) thông báo bán 4% vốn tại đây cho Công ty TNHH Bất động sản Thiên Thanh. Mức giá SGS chào bán vào khoảng 30.500 đồng/cổ phẩn.
Trước đó, khu đất này cũng được Saigon Co.op chào bán cho nhiều đối tác khác nhau với giá hàng nghìn tỷ đồng. Với giá trị của khu đất, mức giá như vậy được cho là rẻ. Tuy nhiên, nhiều đối tác, trong đó có cả “đại gia” Novaland đã từ chối vì pháp lý chồng chéo bên trong.
Khó tìm đối tác vì sở hữu chồng chéo
Thực chất, khu “đất vàng” số 1 Công trường Quốc tế có nguồn gốc là đất công.
Năm 2013, UBND TP.HCM giao gần 8.300 m2 đất kế bên trụ sở Sawaco hiện nay và thuỷ đài 130 tuổi nằm trong khuôn viên Sawaco cho ISC thực hiện dự án trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn. Tuy nhiên tới tháng 4/2014, TP quyết định giữ lại thuỷ đài, đồng thời xếp hạng Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp thành phố.
Đây là lý do khiến cho dự án chưa thành hình sau nhiều năm khởi động. Đến nay, với việc Sawaco thoái vốn, ISC muốn tìm một đối tác có thực lực hơn để triển khai dự án. Tuy nhiên, cơ cấu sở hữu chồng chéo và manh mún của lô đất này sẽ rất khó cho ISC kêu gọi được nhà đầu tư.
Theo kế hoạch, ngày 11/12, Sawaco sẽ tổ chức bán đấu giá 9 triệu cổ phần, tương ứng 30% vốn, của ISC. Giá khởi điểm dự kiến khoảng 23.500 đồng/cổ phần và buổi đấu giá sẽ diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Nếu thương vụ thoái vốn này được thực hiện thành công, Sawaco sẽ thu về khoảng 211 tỷ đồng.
Kế hoạch là như vậy nhưng theo nhiều chuyên gia bất động sản, việc chuyển nhượng dự án thành phần sẽ khó tạo nên sự hấp dẫn với nhà đầu tư. Ngoài cơ cấu sở hữu chồng chéo thì đây còn là đất có nguồn gốc Nhà nước nên các vấn đề liên quan đến pháp lý là một rào cản lớn đối với những ai muốn tham gia.
“Đất được Nhà nước giao cho doanh nghiệp luôn có thời hạn nên việc đầu tư cũng được cân nhắc về thời điểm. Trong khi đó mua lại phần vốn này thì sự chủ động của nhà đầu tư mới cũng không nhiều vì chưa đủ lớn để có thể quyết định toàn bộ dự án. Lựa chọn mua toàn bộ dự án vẫn là điều kích thích hơn là mua lẻ để hưởng lợi tức”, vị chuyên gia này cho biết.
Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)