Mới đây, chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch HĐQT Lê Xuân Trường cho biết dự án “Khách sạn Lâu đài Tam Đảo” do CTCP đầu tư Lạc Hồng đầu tư “là sổ lâu dài, sổ vĩnh viễn”. Ông nói, ngày xưa họ xây dựng (PV - tòa dinh nghỉ hè của toàn quyền Đông Dương), sau đó đến năm 1992 Lạc Hồng nhận bàn giao thì đó là sổ lâu dài. “Mà đã là sổ lâu dài thì là vĩnh viễn”, ông Trường nhấn mạnh.
Thế nhưng, phát ngôn của Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng dường như mâu thuẫn với thông tin được ông Phan Tuệ Minh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ với báo chí. Cụ thể, ông Minh cho biết không có sổ đỏ vĩnh viễn, nếu là đất ở, đất công trình công cộng thì chỉ được cấp sổ đỏ lâu dài. “Đất được giao lâu dài là đất ở, đất công trình công cộng. Còn các loại đất khác có thời hạn hết. Bây giờ không mở hồ sơ ra tôi cũng không khẳng định được đó là đất gì. Tôi sẽ tra hồ sơ để xem đất khách sạn là đất loại nào”, ông Minh nói.
Cũng theo Giám đốc Sở TN&MT, thời hạn sử dụng đất có thể không quá 50 năm, không quá 70 năm và lâu dài. Nếu nguồn gốc đất là lâu dài mới được cấp sổ đỏ lâu dài theo điều 127 chứ không có sổ đỏ vĩnh viễn.
Vị này cũng cho hay, việc xây dựng khách sạn “khủng” trên Tam Đảo phải có đánh giá tác động môi trường. Trước khi xây dựng, chủ đầu tư phải đánh giá tác động môi trường. Hơn nữa, việc xây dựng công trình lớn như vậy phải xin cấp phép xây dựng.
Nhìn nhận thêm dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hùng - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội phân tích, trong Luật Đất đai không tồn tại khái niệm về sổ đỏ "vĩnh viễn". Điều 15 Luật Đất đai 2013 nêu rõ: Nhà nước quy định thời hạn sử dụng đất bằng các hình thức sau đây: a) Sử dụng đất ổn định lâu dài; b) Sử dụng đất có thời hạn. Ngoài 2 hình thức sử dụng đất ổn định lâu dài và sử dụng đất có thời hạn ra, không tồn tại hình thức khác.
Từ lập luận trên, Luật sư Hùng nhận định, nếu câu trả lời của lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng dự án “Khách sạn Lâu đài Tam Đảo” do họ đầu tư “là sổ lâu dài, sổ vĩnh viễn” là suy diễn, không đúng quy định của pháp luật và có dấu hiệu đánh tráo khái niệm.
Chuyên gia này cho hay, trong từ điển tiếng Việt "lâu dài" là chỉ khoảng thời gian dài (nhưng có điểm kết thúc). Người sử dụng đất "lâu dài" có thể bị thu hồi đất nếu thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Luật Đất đai. Cụ thể: Thu hồi phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi do vi phạm pháp luật; thu hồi do tự nguyện chấm dứt việc sử dụng... Như vậy về mặt ngữ nghĩa, hệ quả pháp lý và cách hiểu của 2 từ này là hoàn toàn khác nhau. Trong Luật Đất đai chỉ tồn tại duy nhất thuật ngữ thời hạn sử dụng đất lâu dài", LS Hùng nhấn mạnh.
Về phần khách sạn Lâu đài Tam Đảo, dự án được xây dựng ở đồi toàn quyền, trên nền cũ Dinh Toàn quyền Pháp, có thể nhìn thấy từ cung đường phía dưới đi lên thị trấn Tam Đảo. Khách sạn có kiến trúc pha trộn giữa phong cách Neo- Gothic và Phục Hưng, lấy cảm hứng từ lâu đài Peles (Rumania) và Schloss Neuschwanstein ở Bavaria (Đức), với những bức tường viền gỗ sẫm màu và mái nhọn lợp đá Ardoise.
Phía bên ngoài thiết kế sang trọng như biệt thự nước ngoài. Những bức tường gỗ sẫm màu, mái nhọn được lợp đá Ardoise và tháp cao vút. Bên trong là tượng chiến binh La mã, các thần Hy Lạp... Tất cả được làm từ đá cẩm thạch nguyên khối với tạo hình kinh điển và vô cùng sống động.
Theo Thảo Nguyên (VietQ)