Mới đây, nhiều khách hàng đã nhận được thông báo của ngân hàng tăng mức phí dịch vụ SMS Banking. Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thống báo tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng theo bậc thang có thể lên đến 77.000 đồng/tháng tùy số lượng tin nhắn. Cụ thể, nếu số lượng tin nhắn trong tháng dưới 20 tin, Vietcombank thu phí 11.000 đồng/tháng; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 27.500 đồng/tháng; từ 50 đến dưới 100 tin là 55.000 đồng/tháng; từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/tháng. Như vậy nếu tính cả năm người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS cao nhất lên tới 924.000 đồng. Không chỉ Vietcombank, một loạt ngân hàng khác cũng thông báo tăng mức thu phí SMS Banking.
Trả lời VietnamNet về vấn đề này, đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng chỉ thực hiện điều chỉnh phí thông báo thay đổi số dư qua tin nhắn SMS (dịch vụ này còn bao gồm các thông báo giao dịch chi tiêu thẻ, giao dịch tiết kiệm và lịch trả nợ vay). Các dịch vụ liên quan đến gửi tin nhắn SMS cho khách hàng, Vietcombank đều phải trả chi phí cho các nhà mạng. Vietcombank điều chỉnh phí thông báo số dư qua tin nhắn SMS theo bậc thang là để bù đắp một phần cho mức chi phí này và phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng khác nhau. Không chỉ Vietcombank, mà nhiều ngân hàng khác tại Việt Nam cũng tính mức phí SMS theo bậc thang.
Chia sẻ trên mạng xã hội nhiều khách hàng tỏ ra bức xúc trước việc dịch vụ SMS Banking bị đẩy lên cao theo bậc thang. Nhiều diễn đàn đã thu hút hàng nghìn bình luận xoay quanh vấn đề này.
Trước sự việc trên, Bộ TT&TT và Hiệp hội Ngân hàng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến cùng các ngân hàng và nhà mạng để tháo gỡ khó khăn.
Ông Trần Duy Hải, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, trong suốt thời gian xảy ra đại dịch Covid-19; thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, ngành Viễn thông cũng như ngành ngân hàng đã có những đóng góp hết sức thiết thực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các tuyến đầu chống dịch… Đại dịch Covid xảy ra cũng đã tác động làm thay đổi nhiều thói quen của người dân, khách hàng như: Đặt hàng trên mạng, thanh toán trực tuyến, làm việc, học tập, khám chữa bệnh từ xa nhiều hơn… lưu lượng các dịch vụ trực tuyến, trong đó có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng tăng cao.
Khi sản lượng tăng lên thì giá dịch vụ sẽ giảm, do đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, với tinh thần đồng hành cùng với khách hàng, người dân sử dụng dịch vụ, các doanh nghiệp viễn thông di động đã họp với các Ngân hàng thương mại về giá dịch vụ tin nhắn ngân hàng. Tại cuộc họp đã có nhiều phương án được đưa ra thảo luận như tính toán theo sản lượng, thay đổi phương pháp tính cước theo gói...
Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất phương án thu trọn gói một mức thu cố định 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) và không giới hạn số lượng tin nhắn, khi sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
"Mức giá cước trọn gói không giới hạn lưu lượng đã nhận được sự chào đón và nhất trí cao của các ngân hàng thương mại tham dự cuộc họp, do đáp ứng được xu hướng người dân, khách hàng ngày càng ưu tiên sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng không tăng cước thu của khách hàng. Về cơ bản, mức giá này dựa trên mức thu khách hàng của đa số các ngân hàng thương mại trước đây, nhưng với việc áp dụng phương pháp tính cước mới, cũng cùng số tiền này, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ không phải trả thêm chi phí tin nhắn do không giới hạn về lưu lượng. Nó thay thế cho phương pháp hiện nay là các ngân hàng thương mại đối soát với các doanh nghiệp viễn thông theo từng tin nhắn, dẫn đến phải ban hành nhiều gói cước, do sản lượng tin nhắn thấp hoặc cao hơn số thu của khách hàng", ông Trần Duy Hải nói.
Trả lời VietnamNet về vấn đề việc thu mức cước trọn gói này có ảnh hưởng gì đến doanh thu của các nhà mạng cũng như ngân hàng không, ông Trần Duy Hải cho hay, việc áp dụng mức cước trọn gói này, trước mắt có ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông. Theo tính toán sơ bộ, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ giảm doanh thu của chính dịch vụ này khoảng 20% - 30% doanh thu tuỳ theo từng nhà mạng. Đối với các ngân hàng thương mại, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện cũng đã giảm giá các dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt… nên cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng việc tính cước theo gói, không giới hạn lưu lượng đã được các doanh nghiệp viễn thông áp dụng đối với 1 số dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông trong những năm qua, đều đã phát huy tác dụng tốt. Với phương thức tính cước này, dịch vụ được kích cầu và phát triển mạnh mẽ, lưu lượng tăng cao, nên nếu tính theo lưu lượng bình quân thì giá bán rất rẻ, khách hàng và người dân được thụ hưởng và từ đó lại có tác động kích cầu, khuyến khích người sử dụng dịch vụ.
"Với kinh nghiệm đó, với xu thế của thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, trên nền tảng hạ tầng số (viễn thông) đang có chi phí thấp, nay cộng hưởng thêm giá dịch vụ tin nhắn ngân hàng được tính theo phương thức mới. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp viễn thông, các ngân hàng thương mại cũng như các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, chúng tôi cho rằng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử sẽ tiếp tục có những bước phát triển bùng nổ hơn trong thời gian tới", ông Hải nhấn mạnh.
Bình luận về việc thu phí SMS Banking trọn gói này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, mức giá cước trọn gói của nhà mạng đưa ra cho các ngân hàng là 11.000 đồng/tháng cũng là giá cước trung bình mà các ngân hàng đang thu của khách hàng. Với cách tính cước này khách hàng sử dụng ít hay nhiều tin nhắn thì vẫn trả 11.000 đồng, vì đã tính trọn gói. Theo ông, đây là mức phí phù hợp cho khách hàng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT để không phải mất phí. Nếu khách hàng sử dụng SMS Banking thì cũng chỉ trả cước trọn gói như vậy, chứ không phát sinh thêm cước. Vấn đề là khách hàng lựa chọn sử dụng dịch vụ nào thuận tiện cho mình.
"Vừa qua, Bộ TT&TT đã rất quyết liệt để chỉ đạo các nhà mạng tháo gỡ khó khăn này. Đây là động thái rất tốt của các nhà mạng và ngân hàng, khi đã phối hợp để chia sẻ với nhau cùng hỗ trợ khách hàng và khách hàng sẽ được hưởng lợi với giá hợp lý. Việc đưa ra mức phí hợp lý như vậy sẽ thúc đẩy người dân thanh toán không dùng tiền mặt", ông Hùng nói.
Theo Thái Khang (ICT News)