Hội thảo bàn giải pháp thì đại biểu cứ ngồi vỗ tay, có cả thứ trưởng đến dự 9 giờ sáng đã về thì không thể xử lý dứt điểm được.
Phân bón như đất
Tại cuộc họp báo về Hội thảo Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, qua con số điều tra chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang được bày bán trên 48 tỉnh thành.
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) hàng năm kiểm tra xử phạt sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng phát hiện gần 4.000 vụ vi phạm.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả diễn ra tràn lan |
Cụ thể, Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì phân bón NPK với hàm lượng dinh dưỡng 53% nhưng khi kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%; Công ty CP Quốc tế Đông Trung đăng ký hàm lượng dinh dưỡng phân NPK trên giấy phép cũng là 53% nhưng kiểm định chỉ có 8,2%.
Đáng chú ý, một số công ty kinh doanh phân bón không khác gì đem đất bán cho nông dân bởi hàm lượng dinh dưỡng trong phân khi kiểm tra quá thấp. Đơn cử như Công ty Đông Hải (Đà Nẵng) kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng phân NPK chỉ có gần 3%; Công ty CP Đầu tư khoa học kỹ thuật và Công nghệ Việt Pháp Hà Nội kiểm định dinh dưỡng trong phân bón NPK chỉ có 1,9%, còn lại toàn là bột đá vôi…
“Không chỉ vậy, một số trường hợp như Công ty Tân Trường Sinh bị bắt quả tang sản xuất phân bón giả hay Công ty CP Thuận Phong bị phát hiệm có các mẫu phân bón không đạt chất lượng, song, khi chuyển về cơ quan chức năng địa phương để xử lý thì “bị chìm xuồng rồi quên lãng”, ông Thúy nói.
Cũng theo ông Thúy, không chỉ có công ty sản xuất phân bón giả, kém chất lượng mà gần đây Thanh tra Bộ NN-PTNT còn phát hiện 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định làm sai quy định, cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp.
Lợi hàng chục tỷ nhưng phạt như “gãi ghẻ”
Chia sẻ về những bất cập trước tình trạng phân bón giả đang hoành hành như hiện nay, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả cho hay, các nước trên thế giới chỉ có khoảng 300 sản phẩm phân bón, trong khi đó ở Việt Nam con số này lên tới 7.000 sản phẩm.
“Đặc biệt, trong vấn đề quản lý cũng phân công chưa rõ, hiện Bộ NN-PTNT quản lý phân vô cơ, Bộ Công thương quản lý phân hữu cơ. Tuy nhiên, khi xảy ra vụ việc phát hiện một công ty sản xuất cả hai loại phân này thì không biết trách nhiệm thuộc về ai”, ông Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, ông Hùng còn cho biết, buôn bán phân bón giả ở Việt Nam thường bị xử phạt hành chính là chính, rất ít vụ việc bị xử phạt hình sự. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất buôn bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẵn sàng chịu phạt để thu lại khoản lợi nhuận lên đến hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
“Doanh nghiệp họ chấp nhận nộp phạt bởi tiền xử phạt quá ít, chỉ như kiểu “gãi ghẻ” nên họ cứ nộp phạt xong lại làm tiếp”. Ông Hùng nói.
Song, rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị chỉ mang tính chất hình thức, đại biểu cứ đến vỗ tay, thậm chí, trong những hội thảo đó có cả thứ trưởng, cục trưởng đến dự nhưng 9 giờ sáng đã về rồi thì rất khó xử lý dứt điểm vấn đề được.
Theo đó, phân bón giả, kém chất lượng ngày càng lộng hành. “Kết quả, người nông dân gánh chịu. Họ phải mua phân bón giả, kém chất lượng với giá cao, đem về bón lúa đến lúc lúa thu hoạch chỉ có rơm không”, ông Nghĩa bức xúc.
Theo Bảo Phương (VietNamNet)