|
Bảng thông báo kết luận của thanh tra. |
Cụ thể, các sai phạm của DIV được Thanh tra chỉ rõ chi đào tạo tập huấn trong nước năm 2011 vượt 1,24 tỷ đồng, năm 2012 chi công tác phí đi nước ngoài vượt 380 triệu đồng, chi đào tạo, tập huấn nước ngoài không có trong kế hoạch là 217 triệu đồng...
Năm 2012, DIV mua sắm tài sản cố định vượt mức tối đa qui định là 1,949 tỷ đồng. Trong đó, chi mua vali, cặp công vụ sai quy định trên 3,2 tỷ đồng; chi lễ tân, giao dịch đối ngoại, khánh tiết, hội nghị, tuyên truyền, quảng cáo vượt tỉ lệ quy định (7%) hơn 10,8 tỷ đồng; chi trang phục giao dịch năm 2011 vượt mức quy định hơn 1,39 tỷ đồng; chi mua điện thoại và tiền cước phí di động không đúng đối tượng quy định hơn 1 tỷ đồng.
Đồng thời, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn vi phạm Luật Kế toán đối với chứng từ chi công tác phí của các đoàn đi dự hội nghị, hội thảo khoảng 5,3 tỷ đồng, chi tiếp khách 22,6 tỷ đồng; thanh toán tiền công tác phí vượt số ngày quy định số tiền 321,4 triệu đồng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm của DIV
Thứ hai là công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản để xảy ra một số đầu tư công trình trụ sở làm việc của DIV khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cụ thể là vi phạm trong việc thực hiện đấu thầu, sai phạm trong tư vấn thiết kế, sai phạm trong nghiệm thu không đúng khối lượng công trình, sai phạm trong việc tạm ứng nhưng nhà thầu không dùng số tiền tạm ứng vào thi công công trình, bị chiếm dụng vốn là 14.543 triệu đồng.
Thứ ba là xảy ra vi phạm trong việc cấp, thu hồi của DIV, quản lý thu phí, phạt các đơn vị kê khai thiếu phí và chi trả bảo hiểm.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và các thành viên HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thời kỳ 2011-2013 liên quan trực tiếp đến những khuyết điếm, vi phạm nêu trên.