“Mắc lưới” cho vay nặng lãi, công nhân phải bán đất, bán xe
PV đã thực hiện hành trình về thị xã Dĩ An, Bình Dương, nơi được xem là tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN), thu hút trên 200.000 công nhân ngoại tỉnh. Nơi đây trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng cho vay nặng lãi tập trung về “chiêu dụ” công nhân.
Nguyễn Văn Dương, quê Quảng Ngãi là công nhân cho một doanh nghiệp trong KCN Sóng Thần (Bình Dương). Những ngày đầu bước chân vào làm công nhân, do thiếu thốn tài chính cộng với thiếu hiểu biết về tín dụng đen nên Dương đã vay nặng lãi 30 triệu đồng lãi suất 21%/tháng (255%/năm).
Mặc dù mỗi tháng nhận lương đều trả tiền lãi đều đặn, nhưng trong vòng 2 năm, số tiền nợ gốc ban đầu 30 triệu nhanh chóng biến thành 80 triệu đồng.
Bị "khủng bố" liên tục, đầu tháng 8 vừa qua, Dương phải bán chiếc xe máy, về quê bán cả mảnh đất của bố mẹ cho để gom đủ 100 triệu thanh toán dứt điểm mới được yên thân.
Hoàng Văn Tuấn, quê Hậu Giang cùng vợ khăn gói lên TPHCM làm công nhân cho một doanh nghiệp trong khu chế xuất Linh Trung.
Đầu năm nay vợ bị bệnh nặng, Tuấn phải bấm bụng vay nặng lãi số tiền 25 triệu đồng để điều trị cho vợ. Hơn 7 tháng qua, tiền lương hằng tháng làm ra chỉ đủ trả lãi, số tiền gốc còn lại không biết đến bao giờ Tuấn mới trả được.
Cho vay nặng lãi giăng lưới để chiêu dụ công nhân
Khảo sát một vòng quanh các KCN TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai..., PV phát hiện nhiều công nhân vướng vào tổ chức tín dụng đen với lãi suất cắt cổ.
Lãi mẹ đẻ lãi con, lương công nhân không đủ trả nợ dẫn đến số nợ ngày càng phình to. Nhiều công nhân trở thành con nợ không lối thoát, phải bỏ trốn về quê, thậm chí có trường hợp tự tử để thoát nợ.
Bà Nguyễn Thị Hòa, chủ của hơn 40 phòng trọ dành cho công nhân tại thị xã Dĩ An (Bình Dương) cho PV biết, trong 3 năm qua, bà đã chứng kiến nhiều công nhân thuê trọ vướng vào cho vay nặng lãi, bị các đối tượng cho vay đến tận phòng trọ đe dọa đòi tiền.
Khi thấy sự việc lên mức độ căng thẳng, bà phải gọi điện nhờ công an đến can thiệp thì các đối tượng mới chịu bỏ đi.
Tại các khu nhà trọ cho công nhân, những thông tin “Cho vay tiền nhanh” được dán vào mọi ngõ ngách. Công nhân chỉ cần bấm số gọi là được phục vụ “tận răng”. Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần các đối tượng xác minh được địa điểm công nhân thuê trọ, làm cho công ty nào, quê ở đâu là được “giải ngân” ngay.
Số tiền cho vay giao động từ 1 triệu đến cả trăm triệu tùy vào “uy tín” của từng "con mồi". Lãi suất lên đến hơn 20%/tháng, gấp 18 lần lãi suất cho vay của ngân hàng Thương mại.
Theo Huân Chương (Lao Động)