Cho vay nặng lãi bất chấp, đòi nợ khủng bố

06/07/2018 08:36:41

Vay tín chấp ngân hàng lãi suất mỗi năm chỉ 10-11%, vay từ các công ty tài chính là 40% trong khi các website lãi suất lên đến 300%-470%/năm. Cho vay bất chấp dẫn đến muôn nẻo đòi nợ kiểu khủng bố.

Cho vay nặng lãi bất chấp, đòi nợ khủng bố
Rao vặt cho vay tiền dán khắp nơi - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Điều kiện vay thoáng, hình thức thế chấp lạ đời…, đổi lại người vay phải chịu lãi suất rất cao đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó nhức nhối nhất là chuyện khủng bố người vay để đòi nợ.

Đến cả iCloud cũng thế chấp vay tiền

Chị H., nhân viên một công ty truyền thông tại Q.3 (TP.HCM), cho biết do cần tiền gấp nên chị đã tìm đến trang web Doctor D. vay 2,5 triệu đồng trong vòng 30 ngày. Số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi sau 30 ngày là 3,48 triệu đồng. Tính ra lãi suất lên đến 39,2%/tháng. Nếu tính theo năm thì lãi suất lên đến hơn 470%/năm.

Biết quá cao nhưng vì cần gấp nên chị H. phải "nhắm mắt" vay. Tuy nhiên khi đến hạn thanh toán, dù đã trả đủ cả gốc lẫn lãi nhưng công ty vẫn tự động gia hạn khoản vay với phí 1,2 triệu đồng. 

Chị H. không đồng ý trả thì bị khủng bố điện thoại, thậm chí công ty còn cho nhân viên đến tận phòng trọ hù dọa. Quá mệt mỏi, cuối cùng chị H. phải trả để thoát nạn.

Một trang web khác cũng cho vay qua mạng tương tự Doctor D. là Ti.. Trang web này quảng cáo cho vay theo rất nhiều hình thức từ tín chấp theo ngạch lương, sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước… đến lạ nhất là vay theo iCloud iPhone.

Gọi đến số điện thoại ghi trên trang web công ty này, nhân viên tư vấn cho biết với hình thức vay theo iCloud iPhone, nhân viên Ti. sẽ đăng nhập vào iCloud trên điện thoại của người vay. 

Nếu đến hạn mà người vay không trả thì Ti. sẽ khóa iCloud và điện thoại sẽ không sử dụng được nữa. Số tiền vay theo hình thức này sẽ tùy thuộc dòng iPhone mà người vay sử dụng, điện thoại càng cũ… tiền vay càng ít. 

Tuy nhiên, trang web này khuyến khích người vay tín chấp bằng hình thức khác như sổ hộ khẩu, bảng lương vì số tiền vay có thể lên đến 10 triệu đồng.

Lãi suất được thông báo là 1,5%/tháng (18%/năm), nhưng chỉ là danh nghĩa, trên thực tế người vay phải trả cao hơn nhiều so với mức này. 

Chẳng hạn vay 10 triệu, sau 30 ngày người vay phải trả gốc cộng với khoản lãi và phí lên đến 11,5 triệu đồng. Tính ra, lãi suất thật lên đến 15%/tháng (180%/năm).

Ngoài các trang web trên, nhiều công ty tài chính khác hiện cũng đang đẩy mạnh cho vay với lãi suất cao, phổ biến ở mức khoảng 40%/năm… Ngược lại thủ tục vay rất dễ, chỉ trong vòng 30-40 phút nếu người vay đủ thủ tục, lập tức được giải ngân.

Cho vay nặng lãi bất chấp, đòi nợ khủng bố - 1
Tờ quảng cáo cho vay vốn dán trên đường Vạn Kiếp, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chính việc xét duyệt cho vay quá dễ dàng nhưng lãi suất quá cao khiến việc đòi nợ theo kiểu giang hồ của các dịch vụ vay tiêu dùng bùng phát mạnh thời gian gần đây.

Đòi nợ kiểu khủng bố

Một tuần trước, chị H.O. (Q.3, TP.HCM) cũng phải cầu cứu trên Facebook cá nhân về việc bị một người tên P.T.T. vay tiền của một công ty tài chính và bị đòi nợ nhưng lại dùng dịch vụ chuyển hướng cuộc gọi sang số điện thoại của chị, do chị nằm trong danh sách tham chiếu, khiến bộ phận nhắc nợ của công ty tài chính ngày nào cũng gọi điện thoại cho chị. 

"Họ gọi ngày đêm, kể cả cuối tuần. Không chịu nổi, tôi phải nhờ người can thiệp thì mới chấm dứt" - chị H.O. bức xúc.

Tương tự như chị H.O., chị Mến (Trà Vinh) cho biết một người bạn đưa số điện thoại của chị vào danh sách tham chiếu cho công ty tài chính khi vay tiền. 

"Khi họ nói chuyện đưa số điện thoại của mình cho công ty tài chính, tôi không hình dung sẽ bị "khủng bố" như vậy. Họ gọi tôi liên tục, trong khi muốn tôi hỗ trợ nhắc nợ lẽ ra phải nói chuyện có văn hóa. Đằng này…" - chị Mến nói.

Ai quản lý các trang web cho vay?

Cho vay nặng lãi bất chấp, đòi nợ khủng bố - 2
Ông Nguyễn Hoàng Minh

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết hiện đơn vị này chưa cấp phép cho tổ chức nào hoạt động dưới dạng cho vay thông qua các trang web.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng và công ty tài chính. Trong khi tiệm cầm đồ lại thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành khác. Còn các trang web cho vay lại không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nào. "Đó chính là lỗ hổng mà công an phải vào cuộc để kiểm soát".

Cũng theo ông Hiếu, hiện nay việc cho vay qua trang web có nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, có trường hợp là doanh nghiệp đứng ra cho vay, nhưng cũng có trường hợp lách luật dưới hình thức cho vay ngang hàng, tức các cá nhân cho vay lẫn nhau và chủ trang web chỉ đứng ở giữa với vai trò trung gian. Đây là hình thức rất mới và chưa có luật nào chi phối.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, hiện nhiều trang web cho vay đang lách luật bằng cách thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhưng sau đó lại mở rộng ra cho vay như một tổ chức tín dụng.

Theo quy định, nếu là tiệm cầm đồ thì chỉ được phép cho vay cầm cố đồ đạc… và khi người cầm đồ không đủ khả năng trả nợ thì bán đồ để xử lý chứ không được phép đòi nợ. Các tổ chức này cũng không được phép cầm nhà đất và các giấy tờ như CMND, các loại thẻ… tuy nhiên hiện nhiều trang web hoạt động bất hợp pháp, cho vay tín chấp và thu hồi nợ như một công ty tài chính nhưng không ai quản lý.

Ông Đức cũng cho rằng theo Bộ luật dân sự hiện hành, lãi suất cho vay của các tổ chức không phải là các tổ chức tín dụng không được quá 30%/năm (nếu quá hạn). Nhưng thực tế các trang web cho vay này cho vay với lãi suất lên đến 300%/năm.

Cho vay nặng lãi bất chấp, đòi nợ khủng bố - 3
Các hình thức cho vay tiêu dùng tín chấp - Dữ liệu: A.HỒNG - Đồ họa: V.CƯỜNG

Phải có "văn hóa đòi nợ"

Liên quan đến phản ảnh về việc đòi nợ phản cảm của các công ty tài chính, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết sắp tới sẽ có một sự thay đổi lớn trong việc ban hành các văn bản nhằm bắt buộc các công ty tài chính cần phải thực hiện văn hóa đòi nợ.

Đồng thời, theo ông, sẽ siết lại hoạt động cho vay tiêu dùng trong các công ty tài chính. Mới đây, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm việc với các công ty tài chính yêu cầu họ dừng ngay biện pháp đòi nợ kiểu "khủng bố" này.

Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, một trong những nguyên nhân khiến việc đòi nợ phản cảm của các công ty tài chính liên tục diễn ra là do các công ty này sử dụng lực lượng đòi nợ thuê. Những con nợ khó đòi sẽ được các công ty này chuyển cho lực lượng đòi nợ thuê, nếu đòi được thì họ hưởng từ 30-70% số tiền. 

Do tỉ lệ được hưởng lớn nên họ dùng đủ mọi biện pháp để đòi cho bằng được. Nếu con nợ lẩn trốn, họ chuyển sang "khủng bố" bạn bè, người thân có tên trong danh sách tham chiếu, thậm chí tự "điều tra" số điện thoại.

"Xảy ra việc này là do cơ quan quản lý hiện mới chú trọng kiểm soát các công ty tài chính về khâu cho vay, còn khâu quản lý sau vay lại buông lỏng" - ông Tín nói.

Có đường dây giả mạo hồ sơ vay vốn

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trên mạng đã hình thành các "đường dây" làm giả hồ sơ vay vốn hoặc làm thẻ tín dụng để qua mặt các công ty tài chính.

Cụ thể, các dịch vụ làm sổ tạm trú - KT3, xác nhận bảng lương... nhằm mục đích vay tiêu dùng hoặc làm thẻ tín dụng mọc lên như nấm sau mưa.

Chỉ cần vào Google hoặc vào Facebook gõ cụm từ "dịch vụ làm sổ tạm trú - KT3" hay "xác nhận bảng lương"... lập tức cho ra hàng loạt kết quả. Những nơi này thậm chí còn quảng cáo là làm nhanh, giấy tờ thật...

Theo Ánh Hồng (Tuổi Trẻ)

Nổi bật