Tại toạ đàm mới đây của Hiệp hội ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hệ lụy của hậu đại dịch COVID-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập của người dân khó khăn.
Theo đó, nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng cao (theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên mức 4,56%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,44%.)
Đại diện nhiều ngân hàng lớn cho biết, quá trình thu hồi tài sản thế chấp nhằm khắc phục nợ xấu còn phát sinh nhiều bất cập, chủ yếu do các quy định pháp luật không rõ ràng, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa hiệu quả, và sự trì hoãn trong việc xử lý án.
Đối với các tài sản đặc thù như xe ô tô, vốn được coi là dễ xử lý và chuyển nhượng hơn bất động sản, trên thực tế cũng còn nhiều vướng mắc, do các tài sản này có thể di chuyển liên tục qua lại trên các địa bàn khác nhau, dẫn đến trường hợp không xác định được tài sản thế chấp ở đâu. Do chưa có quy định pháp luật hướng dẫn thực tế nên công tác xác minh, kê biên tài sản, thi hành án gặp nhiều khó khăn.
Một cán bộ tín dụng của ngân hàng cho biết đã từng mất gần hai tháng đi khắp nơi để tìm khách hàng, thậm chí phải lang thang đeo bám đến mấy tỉnh mới tìm ra tung tích của xe đang thế chấp.
Ngoài ra khi nhận thế chấp các tài sản là động sản như xe ô tô, ngân hàng chỉ giữ giấy tờ pháp lý chứ không thu giữ tài sản thực tế. Lợi dụng điều này, một số khách hàng khi mất khả năng thanh toán không tự nguyện bàn giao tài sản, không cung cấp thông tin liên quan, ẩn giấu tài sản lúc nơi này, lúc nơi khác, thậm chí bán cho bên thứ ba mà không thông báo cho ngân hàng nhằm cố tình không chấp hành án.
Theo Hiệp hội ngân hàng, về việc không xác định được tài sản thế chấp ở đâu, cần bổ sung, sửa đổi Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐCP các quy định về cơ chế phối hợp hoặc cho phép Cơ quan thi hành án có thẩm quyền kê biên tài sản tại địa phương khác đối với một số tài sản đặc thù như ô tô, …khi các tài sản này di chuyển liên tục qua lại trên các địa bàn khác nhau.
Đối với vấn đề trên, pháp luật hiện hành chưa có những quy định thống nhất cũng như chế tài mạnh mẽ trong việc xử lý các hành vi cố tình trì hoãn thi hành án khiến công tác thu hồi nợ của các ngân hàng không đạt hiệu quả như mong muốn.
Ngay cả khi đã thu hồi được xe, không ít ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc thanh lý các tài sản này để thu hồi nợ dù đã giảm giá xuống rất thấp so với giá trị khoản vay, tài sản được rao bán hàng chục lần vẫn ế, do khách hàng vốn không ưa chuộng xe cũ do ngân hàng bán lại.
Chẳng hạn, VPBank vừa qua thông báo phát mại tài sản ô tô đã qua sử dụng bao gồm 32 xe con và 6 xe tải, đa dạng các thương hiệu như Hyundai, Toyota, Nissan, Vinfast (sản xuất năm 2014 - 2023), với mức giá khởi điểm chỉ từ 119 triệu đồng. Đáng nói, từ tháng 3 năm nay, ngân hàng này liên tục rao bán những lô xe lên đến hàng chục chiếc với mức giá hấp dẫn nhằm đẩy mạnh công tác thu hồi nợ vay.
BIDV đã rao bán 13 phương tiện vận tải để xử lý nợ, gồm 6 chiếc ô tô tải Hyundai, 1 chiếc ô tô tải Kia, 4 chiếc xe cứu thương Hyundai, 1 chiếc xe nâng hàng Komatsu và 1 chiếc ô tô Ford đời 2008. Tổng giá khởi điểm cho lô xe này là 1,05 tỷ đồng. Ngoài ra, BIDV cũng đang tìm chủ mới cho một số xe sang với giá hàng tỷ đồng, chẳng hạn như chiếc Land Rover Range được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe năm 2015 có giá khởi điểm 3 tỷ đồng.
VietinBank - Chi nhánh 4, TP.Hồ Chí Minh cũng vừa thông báo bán tài sản bảo đảm là 01 ô tô 05 chỗ ngồi hiệu Ford Ecosport với giá cả thỏa thuận. Trước đó, chi nhánh khu công nghiệp Quế Võ của ngân hàng này từng rao bán 01 xe ô tô 05 chỗ ngồi hiệu Audi A4 và 01 chiếc xe ô tô 07 chỗ hiệu Toyota Fortuner, với mức giá khởi điểm 300 đến 500 triệu đồng.
Dù mức giá các ngân hàng đưa ra rất hấp dẫn, chỉ từ khoảng một trăm triệu đồng, nhiều khách hàng vẫn tỏ ra không mấy mặn mà với xe thanh lý, do e ngại thủ tục pháp lý phức tạp, tình trạng xe xuống cấp, không có các chính sách bảo hành hoặc bảo trì, phải thanh toán một lần hay đơn giản là sợ vận đen từ chủ xe cũ. Tâm lý này khiến hoạt động thanh lý xe cũ vẫn ảm đạm, bất chấp những nỗ lực giảm giá của ngân hàng.
Theo Vũ Hoàng Giang (An Ninh Tiền Tệ)