Chịu đắt thêm tiền, chi hàng tỷ đồng mua căn góc, ‘no’ gió khi bão về

10/09/2024 11:18:27

Với diện tích mặt thoáng lớn, chủ nhà nhiều căn góc tại dự án chung cư ở Hà Nội phát hoảng khi căn hộ "hứng trọn" gió từ siêu bão Yagi.

Túc trực lo kính vỡ

Chị Bùi Thị Vui (phụ huynh sao nhí Muối Dubai, 37 tuổi) cho biết, xưa nay đi mua nhà gia đình chị thường có xu hướng chọn căn góc do view thoáng đẹp, diện tích rộng. 

Căn hộ chung cư gia đình chị đang ở nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) có phòng ngủ hướng Tây Bắc, ban công Đông Nam đều là cửa kính, chưa kể có 2 logia.

“Khi mưa bão ập đến như cơn bão Yagi tôi mới thật sự thấm thía nỗi kinh hoàng khi ở căn góc hướng đón gió. Ngay từ chiều khi bão còn cách Hà Nội vài trăm km, cửa kính đã rung lắc mạnh như thể sắp vỡ toang bất cứ lúc nào. Tiếng gió rít khiến ai cũng đều cảm thấy sợ hãi nhưng không dám lại gần cửa kính chứ đừng nói cố ra ban công bê chậu cây, lấy đồ vào nhà. Gió không ngừng nghỉ kèm theo mưa làm nỗi lo sợ vỡ cửa kính, ngập sàn càng gia tăng”, chị Vui kể.

Chị cho biết thêm, gia đình đã lên mạng tham khảo rất nhiều cách để giảm thiểu rủi ro có thể xảy đến nhưng thông tin bị nhiễu, ý kiến chuyên gia thì ít mà kinh nghiệm dân gian truyền miệng lại quá nhiều, thực sự rất khó để đưa ra phương án hiệu quả, khoa học nhất. 

Cuối cùng gia đình quyết định kéo rèm để giảm rủi ro nếu chẳng may vỡ kính, dọn hết những đồ dễ vỡ, dễ bay trong nhà tới chỗ an toàn hơn và trực 24/24 để kịp thời ứng phó.

Cửa kính căn góc chung cư ở Hà Nội rung lắc khi bão Yagi còn cách Hà Nội vài trăm km. Video: NVCC

“Thời điểm đó các hotline cứu hộ đều luôn trong tình trạng máy bận. Nhà tôi ở tầng trung nhưng đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nếu vỡ kính đành bỏ của chạy lấy người. Dù may mắn không có thiệt hại gì về người và của sau trận bão trên, nhưng gia đình tôi đang rất nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm chống bão cho căn góc hướng đón gió bởi bão tố có thể ập tới bất cứ lúc nào”, chị Vui cho biết. 

Ở căn góc tại dự án Anland Complex, khu đô thị Dương Nội (Hà Đông), chị Mai cũng đã có những giây phút đáng nhớ khi cơn bão Yagi đổ bộ. 

Theo chị Mai, nhà có 2 mặt góc với tổng chiều dài hứng gió hơn 20m, trong đó phần kính và cửa logia khoảng hơn 10m nên cảm nhận rõ ràng hơn so với các căn mà chiều dài hứng gió chỉ tầm 3-7m.

“Tôi thấy căn góc có hai mặt, nếu 2 mặt đó bên chiều gió thì đương nhiên là diện tích mặt thoáng hứng gió nhiều hơn. Ngồi nhà xem video các nơi cửa kính bung ra, với sức gió đập vào cửa kính gia đình tôi cũng rất lo. Nhưng với những gì đã trải qua, tôi thấy chất lượng vật liệu và chất lượng thi công thực sự rất quan trọng”, chị Mai chia sẻ và cho biết, kính căn hộ đã được gia đình chủ động dán chống nóng decal loại cao cấp từ trước đó. Và tuyệt đối không mở cửa hay hé cửa kính lớn trong suốt thời gian gió giật mạnh.

“Rất may nhà tôi cũng không hề bị nước tràn qua các khe, gioăng cửa kính vào nhà dù phải hứng gió rất mạnh. Thậm chí không cần dùng bất kỳ một chiếc khăn lau nào cho việc thấm nước. Theo tôi, nhà nào có kính nên chủ động dán decal toàn phần để tăng liên kết và tăng sức chịu lực. Khi có gió bão tuyệt đối không cố gắng mở hé cửa ra để cảm nhận vì gió lùa vào quật rèm và đồ đạc nguy hiểm hơn”, chị Mai nói.

Gia cố cửa mùa mưa bão

Căn góc là những căn hộ nằm ở vị trí góc của tòa nhà chung cư, thường có hai mặt thoáng, không có bất kỳ căn hộ nào khác nằm chắn hai mặt thoáng này nên lấy được nhiều ánh sáng tự nhiên và gió.

Số lượng căn góc tương ứng với số góc của tòa nhà. Kết cấu một khối chung cư chỉ có 4 góc mỗi tầng nên số lượng căn góc không nhiều. Mặt khác, căn góc thường thông thoáng và rộng rãi nên có giá bán cao hơn 20-30% những căn cùng tầng (cùng diện tích). 

Chịu đắt thêm tiền, chi hàng tỷ đồng mua căn góc, ‘no’ gió khi bão về
Căn góc chung cư thường có hai mặt thoáng, lấy được nhiều ánh sáng tự nhiên và gió. Ảnh: NVCC

Theo chuyên gia xây dựng, hiện nay, kính được sử dụng tại nhiều công trình. Từ cửa sổ, cửa ban công đến lan can... thường được làm bằng kính cường lực. Chuyên gia khuyến cáo, chủ nhà nên dán film PVB mặt ngoài. Trường hợp có xảy ra vỡ, nổ cũng không bị nổ thành các mảnh vụn, sẽ hạn chế nguy hiểm đối với người sử dụng.

ThS. KTS Cao Hoàng Anh - Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & đầu tư ACA lưu ý, cần kiểm tra, bảo trì thường xuyên hệ thống cửa trong nhà, đặc biệt trước mùa mưa bão. Đối với cửa sổ, cửa đi cần kiểm tra độ bền chịu va đập, độ bền trước áp lực gió, độ kín nước, độ lọt khí… 

Bên cạnh đó, cần kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo quản chống mối mọt, nấm mốc, đặc biệt đối với cửa ngoài hoặc cửa đặt ở nơi ẩm ướt thường xuyên. Kiểm tra nước mưa có lọt vào phía dưới thanh cái ngang đáy và kiểm tra ngăn gió lùa qua khe cánh cửa với khuôn cửa, hoặc giữa hai cánh cửa.

Kiểm tra để đảm bảo kính được gắn chặt vào các mối liên kết của khung cánh, trường hợp nhận dạng được sự lỏng lẻo trong liên kết giữa khung cửa và tường, kính và đố hay cánh, cần gia cố lại bằng tắc kê để tăng độ liên kết giữa khung vào tường hay dán keo tăng liên kết kính vào đố …

Theo chuyên gia, có thể thực hiện dán băng keo chống nứt dọc theo các đường viền của cửa. Hoặc có thể dán chéo qua cửa kính tạo ra các khung hình chữ X, hình thoi, chữ nhật để giảm áp suất gió tác động lên bề mặt. Băng keo có tác dụng gia cố thêm kết cấu kính giảm lượng gió lùa, làm chắc chắn, giảm nguy cơ nứt, rạn nứt nếu bị va đập. Ngoài ra, cần kiểm tra, cài chặt các then, chốt cửa đi, cửa sổ. Neo cửa bằng đòn tre, gỗ, sắt vào tường nhà để chống gió giật bung cửa.

Theo Hồng Khanh (VietNamNet)