Cách đây đúng một thập kỷ, xuất khẩu hạt tiêu chính thức trở thành nông sản tỷ USD (năm 2014 đạt 1,2 tỷ USD) của Việt Nam. Năm 2015, giá hạt tiêu đạt đỉnh lịch sử khi chạm mốc 230 triệu đồng/tấn.
"Giá vàng lúc đó khoảng 35 triệu đồng/lượng. Tức, 1 tấn hạt tiêu giá 230 triệu đồng, tương đương với 6,5 lượng vàng. Đây cũng chính là lý do nhiều người ví hạt tiêu là sản phẩm 'vàng đen' của Việt Nam lúc bấy giờ", ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group nhớ lại thời hoàng kim của hạt tiêu.
Thế nhưng, việc nông dân ở nhiều tỉnh ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, kể cả ở những nơi không phù hợp với loại cây này khiến sản lượng tăng mạnh, cung vượt cầu dẫn tới giá liên tục giảm mạnh. Có thời điểm, giá hạt tiêu xuống dưới giá thành, nông dân thua lỗ nặng, thu hẹp đáng kể diện tích hoặc chuyển sang cây trồng khác.
Giá hạt tiêu giảm không ngừng, vị thế ngành hàng tỷ USD của hạt tiêu cũng chỉ duy trì được 4 năm (từ 2014-2017). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng “vàng đen” này của nước ta giảm còn gần 759 triệu USD.
Năm nay, hạt tiêu được nhận định bước vào chu kỳ tăng giá mới sau nhiều năm “nằm đáy”. Thực tế cho thấy, giá tăng phi mã và neo ở mức cao suốt từ đầu năm đến nay đã đưa hạt tiêu trở lại thời hoàng kim tỷ USD.
Theo thống kê sơ bộ, tháng 9 năm nay, nước ta xuất bán 20.000 tấn hạt tiêu, thu về 125 triệu USD. So với tháng cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hạt tiêu tăng 10,4% về lượng nhưng giá trị tăng vọt 84,9%.
Luỹ kế đến hết tháng 9, nước ta thu về hơn 1 tỷ USD từ việc xuất bán 203.000 tấn “vàng đen”. Lượng hàng xuất khẩu tuy giảm nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị lại tăng mạnh 46,9%.
Nguyên nhân là bởi giá hạt tiêu xuất khẩu tăng mạnh 49,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 4.941 USD/tấn.
Đáng chú ý, tháng 9 vừa qua, giá trung bình mặt hàng “vàng đen” xuất khẩu đạt 6.239 USD/tấn, tăng 67,5% so với tháng cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là tháng ghi nhận mức giá xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm qua.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Việt Nam ở mức 6.800 USD/tấn với loại 500g/l; loại 550g/l ở mức 7.100 USD/tấn; giá hạt tiêu trắng ở mức 10.150 USD/tấn.
Trong khi đó, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa dao động từ 146.000-150.000 đồng/kg tuỳ loại.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế. Brazil và Indonesia đang vào vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu thế giới không tăng mạnh, cùng với việc Trung Quốc không mua nhiều dẫn đến giá chỉ có khả năng tăng nhẹ.
Tuy nhiên, về dài hạn giá hạt tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ, bởi sản lượng mặt hàng này của Việt Nam trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm. Vụ hạt tiêu năm 2025 ở nước ta sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1-2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài.
Theo đó, ngành hàng “vàng đen” này của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), lượng hạt tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Hiệp hội Tiêu Việt Nam nhận định, trong 3–5 năm tới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Người bán đang mong muốn thiết lập sự liên kết ngành hồ tiêu Việt Nam để tránh tình trạng đơn hàng ồ ạt trên thị trường và kiểm soát giá.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hạt tiêu đã bước vào chu kỳ tăng giá mới. Chu kỳ này sẽ kéo dài 10-15 năm và giá có thể đạt đỉnh 350.000-400.000 đồng/kg.
Theo Tâm An (VietNamNet)