10 năm trở lại đây, tăng lương tối thiểu vượt năng suất lao động gây ra nhiều tác động tiêu cực...
Tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015. |
Theo báo cáo “Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam”, năng suất lao động của Việt Nam 10 năm trở lại đây (2004-2015) chỉ đạt 4,4% nhưng số tăng trưởng bình quân của tiền lương đã đạt 5,8%.
Việc tăng lương tối thiểu cao hơn năng suất lao động dẫn tới nhiều tác động tiêu cực, làm giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” diễn ra sáng 13/9 do Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển chính sách (VEPR) phối hợp với Văn phòng JICA tại Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: “Có thể nói tới thời điểm này chính sách tăng lương tối thiểu đang thất bại”.
Lương tăng vượt năng suất lao động
Dẫn giải từ kết quả báo cáo, ông Thành cho biết, trong hơn một thập kỷ gần đây, lương tối thiểu đã tăng liên tục, với tốc độ khá nhanh tại Việt Nam.
“Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước láng giềng tuy nhiên mức tăng lương tối thiểu đã làm gia tăng mối lo ngại về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung”, ông Thành nói.
Lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hàng năm đạt hai chữ số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng. Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng lương tối thiểu của Việt Nam đã cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động.
Cụ thể, tỷ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% năm 2007 đạt mức 50% năm 2015. Xu hướng này không giống như các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan.
“Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đã giãn rộng nhanh hơn so với các quốc gia khác”, ông Thành nói.
Theo đánh giá của báo cáo thì việc tăng lương cao hơn tăng năng suất lao động sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và từ từ “ăn mòn” sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra, phần chi trả cho các khoản bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng theo thời gian. Năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại Indonesia.
Cần có các chính sách bổ trợ khác
Việc tăng lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Viện VEPR, hiện vẫn có khoảng 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng. Số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa, đương nhiên không thuộc phạm vi áp dụng của mức lương tối thiểu vùng.
Như vậy việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng giữa lao động của các khu vực kinh tế. Còn ông Futoshi Yamauchi, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Hoa Kỳ đánh giá, tăng lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay tiêu cực nhiều hơn là tích cực, về góc độ kích thích đầu tư khi tăng lương 1% sẽ khiến tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của doanh nghiệp giảm đi 2,3%.
Đưa ra đánh giá, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo cho rằng, tăng lương nhưng năng suất lao động không tăng tương ứng sẽ làm tăng chi phí của các doanh nghiệp, đồng thời giảm khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế.
Đại diện JICA khuyến nghị Việt Nam cần chú ý đến cơ chế tiền lương, điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp. Cụ thể, VEPR kiến nghị, thứ nhất, điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hợp với tăng trưởng lương tối thiểu.
Để mức tăng lương tối thiểu vùng được thực chất, đảm bảo cả đời sống người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp, báo cáo cho rằng, mức tăng lương tối thiểu nên được điều chỉnh dựa trên các nguyên tắc nhất định, minh bạch và dễ dự đoán hơn.
Cần phải xác định rõ các tiêu chí để thiết lập và điều chỉnh mức lương tối thiểu (bao gồm cả giỏ hàng hoá tính toán các nhu cầu cơ bản); và các điều chỉnh phải được lên kế hoạch phù hợp với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, lạm phát và bối cảnh kinh tế.
Ngoài ra, Hội đồng Tiền lương quốc gia nên có sự tham gia của các chuyên gia, có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động, có khả năng tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập trước/sau khi điều chỉnh lương tối thiểu. Điều này khá phổ biến tại một số quốc gia trong khu vực, ví dụ như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia...
Ông Thành cho rằng lương tối thiểu sẽ không phát huy vai trò và hiệu quả nếu được xây dựng như một chính sách bảo trợ xã hội. Vì hệ thống lương tối thiểu hiện nay không bao gồm người lao động không có hợp đồng, cũng như không có nhiều tác dụng đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội. Do đó cần có các chính sách bổ trợ khác, thay vì chỉ kỳ vọng ở chính sách lương tối thiểu.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đặt câu hỏi năng suất lao động nhóm nghiên cứu đưa ra là năng suất lao động nào. Nếu chúng ta lấy con số 4,4% thì đấy là con số của năng suất lao động xã hội. Còn nói về lương tối thiểu, nghiên cứu đưa ra đánh giá ở khu vực công nghiệp.
"Nhưng thực tế, hiện tiền lương tối thiểu của chúng ta đang được thực hiện ở các khu vực doanh nghiệp. Như vậy nếu so sánh với với năng suất lao động xã hội thì không ổn. Mà ta phải so sánh tiền lương đó với năng suất lao động ở khu vực công nghiệp mới phù hợp chứ. Do đó cần phải xác định lại ngay năng suất lao động này", ông Chính nhận định.
Theo ông chính, có mấy đặc thù mà nhóm nghiên cứu chưa đưa ra. Thứ nhất, hiện trong các doanh nghiệp đang lợi dụng tiền lương tối thiểu để làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội làm cho tiền lương tối thiểu của chúng ta đang bị méo mó. Còn nếu bây giờ ta đóng bảo hiểm xã hội trên tiền lương thu nhập thì lương tối thiểu không có ý nghĩa gì cả .Vì phải đóng đến 22% tiền bảo hiểm nên thực tế, các doanh nghiệp hiện nay đang xây dựng hai hệ thống bảng lương, một hệ thống thang bảng lương bằng và cao hơn lương tối thiểu.
"Các doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm bằng đúng lương tối thiểu, có hơn thì chỉ cộng thêm 7% tiền đào tạo. Còn lại doanh nghiệp xẻ ra thành các tiền: làm thêm giờ, tăng ca, chuyên cần, hỗ trợ xe... để trốn cái phần chênh lệch. Tuy nhiên, tới 1/1/2018 tiền lương bao gồm các khoản đóng bảo hiểm xã hội thì lương tối thiểu không có ý nghĩa gì quan trọng", ông Chính nói.
Theo Lý Hà (VnEconomy.vn)