Báo Người lao động đưa tin, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4-2024, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Cùng với đó, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường vàng.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nêu rõ, quản lý thị trường vàng thời gian vừa qua còn bất cập, giá vàng trong nước và quốc tế còn chênh lệch ở mức cao. Do đó, Chính phủ yêu cầu xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Đồng thời kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng…
Theo VnExpress thông tin, thực tế, chỉ đạo này nhiều lần được Chính phủ, Thủ tướng đưa ra với ngành ngân hàng trong bối cảnh kim loại quý tăng vọt, bất chấp nhà điều hành đấu thầu tăng cung cho thị trường.
Sáng nay, giá vàng miếng SJC lên 92 triệu đồng một lượng, cao nhất từ trước đến nay. Chênh lệch giá mua và bán được doanh nghiệp duy trì hơn 2 triệu đồng.
Vàng trong nước tăng vọt, nên mức vênh với thế giới cũng nới rộng, khoảng 18,5 triệu đồng một lượng.
Khoảng 6.800 lượng vàng miếng được doanh nghiệp mua từ Ngân hàng Nhà nước sau 5 lần thầu. Mức này chiếm khoảng 8% so với tổng số mời thầu của cơ quan quản lý.
Trái với kỳ vọng giảm nhiệt kim loại quý thông qua đấu thầu, giá liên tiếp lập đỉnh mới và giao dịch sôi động. Theo chuyên gia, muốn hạ chênh lệch với quốc tế, nhà điều hành cần bán ra với giá sát hoặc thấp hơn trong nước. Bởi, giá đấu thầu cao càng kích thích tâm lý tích trữ của người dân, khiến mục tiêu kéo gần thế giới khó khả thi.
Còn ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế nhìn nhận nếu quản lý chặt khối lượng giao dịch của các điểm bán sẽ tránh được tình trạng thao túng giá vàng. Theo ông, công nghệ hiện nay cho phép ghi nhận khối lượng vàng bán ra ở các cửa hàng, nên việc quản lý không quá khó.
Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến trong nước và quốc tế để có phản ứng chính sách, gỡ vướng kịp thời cho doanh nghiệp, người dân. Các mặt hàng do Nhà nước quản lý, như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế... cần đánh giá kỹ tác động, lộ trình và thời điểm điều chỉnh phù hợp.
PN (SHTT)