Chính phủ thúc giục giải ngân 22 tỷ USD vốn ODA còn tắc

08/06/2016 19:15:00

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu các bộ, ngành không được tăng thêm các bước làm chậm quá trình, thủ tục chuẩn bị dự án và phải bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA.

 

Báo cáo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm cho thấy, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm. Về tốc độ, giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm 2016 xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. 

Trước đó, tại cuộc họp được tổ chức mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho hay, tính đến hết năm 2015, vốn ODA đã ký nhưng chưa giải ngân hiện còn khoảng 22 tỷ USD.

chinh-phu-thuc-giuc-giai-ngan-22-ty-usd-von-oda-con-tac

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Chính phủ

Con số này cũng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng xác nhận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra mới đây. Trong 22 tỷ USD vốn ODA cam kết, có 2,15 tỷ USD sẽ phải giải ngân trước năm 2016, còn lại sẽ giải ngân cho những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.

Lắng nghe các bộ, ngành báo cáo, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần khẩn trương xác định rõ chương trình, dự án, lĩnh vực nào ưu tiên, được cấp phép và phải cho vay lại. “Phải chú ý không tăng thêm các bước làm chậm quá trình, thủ tục chuẩn bị dự án; giảm bớt các thủ tục hành chính song vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả sử dụng vốn ODA”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Ông cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nhiều nguồn tài trợ, hỗ trợ, ưu đãi bị cắt giảm. Các bộ, ngành cần quan tâm xây dựng kế hoạch vận động thích hợp cho quá trình chuyển từ vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi sang vốn vay có mức độ ưu đãi kém hơn.

Vì thế, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao tiếp tục làm việc với Ngân hàng Thế giới để tạo ra lộ trình phù hợp, chuyển tiếp thành công vốn vay sang các khoản vay có mức độ ưu đãi kém hơn mà không để ảnh hưởng đến thành quả đạt được trong huy động và sử dụng nguồn vốn thời gian qua.

Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)