Đặc biệt trong số các thắc mắc, có một thắc mắc được nêu ra về siêu Bộ quản lý vốn Nhà nước - một đề án được nhắc đến từ hồi tháng 7 năm ngoái - rằng đề án này đã thực hiện được đến đâu ? Đến bao giờ thì siêu Bộ có thể chính thức đi vào hoạt động.
Trả lời câu hỏi này của nhà báo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng thực ra cho đến giờ này, sau 8 tháng cái tên siêu Bộ được nhắc đến, thì chủ trương cuối cùng quyết định xem siêu Bộ có được thành lập hay không thì vẫn chưa có.
Vị đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ những bất cập của công tác quản lý số vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lên đến 5 triệu tỷ đồng. Theo ông, việc thành lập được một bộ chuyên trách, với quy mô lớn hơn cả Công ty quản lý vốn Nhà nước (SCIC), trong thời gian ngăn là điều khó khăn.
Ông cũng cho biết thêm rằng trong thời gian này, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã cử cán bộ đi học tập, nghiên cứu các mô hình quản lý vốn của các quốc gia khác trên thế giới. Ngay khi mọi thứ được chuẩn bị kỹ, Bộ này sẽ trình cơ quan thẩm quyền Nhà nước để xét duyệt việc thành lập siêu Bộ
Trước đó, cách đây 8 tháng, dự thảo xin thành lập một cơ quan chuyên trách có tên gọi là ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, gọi đơn giản là siêu Bộ, đã trở thành một vấn đề nóng trên nhiều trang báo.
Chỉ bằng vài tính toán đơn giản, có thể nhẩm ra rằng nếu được thành lập, siêu Bộ này sẽ trở thành một "siêu ủy ban" quản lý khối tài sản khổng lồ, lớn nhất Việt Nam.
Cùng với đó, các phần vốn Nhà nước mà doanh nghiệp này quản lý sẽ nằm ở khoảng 30 tổng công ty, tập đoàn quy mô lớn trong nền kinh tế. Có thể kể đến các tên tuổi trong số đó như các tập đoàn: Dầu khí, Điện lực, Bưu chính-Viễn thông, Xăng dầu, Bảo Việt... các tổng công ty : Cà phê, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Thép, Dược, Sabeco…
Theo Vượng Lê (Trí Thức Trẻ)