Phó thủ tướng: Tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất trong 10 năm

21/05/2018 11:08:00

Lãnh đạo Chính phủ nói tình hình kinh tế 4 tháng qua là khả quan, tuy nhiên phát triển doanh nghiệp đã tăng chậm lại.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV sáng 21/5, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018.

Phó thủ tướng: Tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất trong 10 năm
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó thủ tướng cho hay, 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao năm 2017 đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt trên 1% so với kế hoạch; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,53% trong khi kế hoạch là 4%; xuất siêu 2,9 tỷ USD; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD...

Với đà tăng của năm 2017, 4 tháng đầu năm 2018 kinh tế xã hội đã đạt kết quả khả quan. Tăng trưởng GDP quý I đạt 7,38%, mức cao nhất 10 năm qua. Nổi bật là cả ba khu vực cốt lõi của kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và chế biến, chế tạo đều tăng cao so với cùng kỳ, lần lượt đạt 4,05%; 9,7% và 13,56%.

Trong 4 tháng có trên 41.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 11.000 hoạt động trở lại với tổng vốn đăng ký, bổ sung đạt hơn 1,16 triệu tỷ đồng. Nợ xấu được kiểm soát mức 2,18% đến cuối tháng 3. 

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Chính phủ, vẫn còn nhiều hạn chế đang cản đường phát triển kinh tế xã hội đất nước. "Chúng ta đã làm và nỗ lực xử lý được nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục dành thời gian, nguồn lực và tập trung khắc phục", ông Trương Hoà Bình nói.

Những điểm nghẽn của nền kinh tế được lãnh đạo Chính phủ chỉ ra, kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc; mặc dù chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát; cân đối ngân sách Trung ương khó khăn... 

Đáng chú ý là phát triển doanh nghiệp tăng chậm lại, số doanh nghiệp thành lập mới quý I chỉ tăng 1,2% (quý I/2016 tăng 24,8%; quý I/2017 tăng 11,4%); 4 tháng tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2017 tăng 14%); doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh còn thấp.

Mặt khác, công tác dự báo thị trường còn hạn chế, nhiều sản phẩm khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, cả về giá và chất lượng. Việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản còn hạn chế, nhất là về kết nối thị trường, thông tin sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc... Cổ phần hóa, thoái vốn có nơi còn chậm, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Phó thủ tướng: Tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất trong 10 năm - 1

Động lực tăng trưởng như năm 2017 sẽ "khó lặp lại"

Trước những thách thức, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó đầu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể như, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước; phấn đấu bội chi dưới 3,7% GDP.

Chính phủ cam kết cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh; thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là ở cấp cơ sở...

Về phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền.

Thẩm tra nội dung trên của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế tỏ ra thận trọng khi cho rằng, động lực tăng trưởng dựa vào một số yếu tố như năm 2017 sẽ "khó lặp lại". 

"Sự bứt phá về GDP tăng 7,38% so với cùng kỳ 2017 là bước khởi đầu thuận lợi, nhưng cũng là áp lực không nhỏ về tăng trưởng cho 3 quý còn lại, nếu nền kinh tế vẫn định hình tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước", ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhận xét. 

Cơ quan này cũng lo ngại trước áp lực lạm phát 2018 khi loạt giá dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thực phẩm... tiếp tục tăng, dự báo góp 2-2,5 điểm phần trăm vào lạm phát chung.

Phó thủ tướng: Tăng trưởng kinh tế quý I cao nhất trong 10 năm - 2
Toàn cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Không để có "điểm nóng" về an ninh, trật tự

Về xây dựng thể thế, phòng chống tham nhũng,... Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên dành nhiều thời gian hơn để xây dựng pháp luật tại các phiên họp hàng tháng.

Cùng với đó, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; nhiều vụ nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm đã được chỉ đạo quyết liệt, ban hành kết luận, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ: dự án Mobifone mua cổ phần của AVG, đất đai tại Đà Nẵng…); việc xử lý sau thanh tra được tăng cường.

Ông Trương Hoà Bình nhấn mạnh Chính phủ sẽ tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, như quản lý đất đai, tài sản công, đầu tư xây dựng, sử dụng ngân sách Nhà nước... "Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng; sớm hoàn thành kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát", Phó thủ tướng nói. 

Ngoài ra, Chính phủ sẽ tập trung triển khai kế hoạch giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống, làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận, không để thành "điểm nóng" gây mất an ninh trật tự. 

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 khai mạc sáng 21/5 tại Hà Nội, dự kiến kéo dài trong 20 ngày.

Trong sáng nay, Quốc hội nghe các báo cáo về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, những tháng đầu năm 2018; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Chiều cùng ngày, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)

Nổi bật