Đặt phòng khách sạn tại Đà Nẵng cho chuyến đi du lịch vào tháng 7 tới nhưng chị Hoàng Lan (một nhân viên văn phòng tại Hà Nội), cảm thấy hoang mang khi cùng một loại phòng, cùng một khách sạn nhưng mỗi trang web lại rao một giá khác nhau.
Đơn cử như khách sạn F. tại Đà Nẵng, sau một ngày tìm hiểu trên các trang trực tuyến, chị Lan bất ngờ khi có tới năm loại giá khác nhau. Trên trang web Agoda, loại phòng Superior 2 giường, dành cho 2 người được niêm yết với mức giá gốc 2,088 triệu đồng/đêm, nhưng nếu mua qua trang này chỉ còn 1,19 triệu đồng. Trang Booking niêm yết giá phòng trên là 1,396 triệu đồng/đêm. Trong khi đó, trên trang Hotels, mức giá lên tới 3,179 triệu đồng/đêm sau khi đã giảm xuống còn 2,127 triệu đồng/đêm.
Còn tại một trang web trong nước là Chudu, giá phòng trên chỉ có 660.000 đồng/đêm, Mytour là 963.000 đồng/đêm, Nhommua niêm yết 650.000 đồng/đêm.
Giá phòng cùng một khách sạn nhưng lại niêm yết khác nhau trên các trang web trực tuyến |
Cuối cùng, chị Lan đã gọi điện đặt phòng trực tiếp qua khách sạn và được nhân viên bán hàng chăm sóc rất chu đáo, giá cũng hợp lý.
Đừng ham rẻ
Từng đặt trên web trực tuyến vì thấy mức giá khá rẻ nhưng anh Đức (Công ty ở quận Ba Đình, Hà Nội) đã thất vọng ngay khi nhìn thấy bảng giá niêm yết tại khách sạn. Anh đặt phòng với giá 900.000 đồng/đêm một khách sạn ở Vũng Tàu trên trang web đặt phòng do giảm hơn 35% so với giá thông thường.
Trong lúc làm thủ tục nhận phòng, anh Đức thấy bảng giá niêm yết tương đương với giá giảm 35% trên trang web. “Đúng là thấy giảm giá thì ham, trước giờ mình vẫn book thông qua website cũng cả chục lần mà giờ mới nhận ra. Agoda lúc nào cũng nói mình là rẻ nhất, ưu đãi này nọ nên tôi cũng đặt mà không xem kỹ điều khoản. Con số giảm giá khuyến mãi trên các booking chỉ là con số ảo thôi. Họ nâng giá cao lên rồi giảm cho nhiều thôi. Bạn nào không tin thì cứ vào website của khách sạn xem giá niêm yết, rồi quay lại các trang booking xem thì sẽ rõ”, anh Đức cho hay.
Nhiều hình ảnh khách sạn trên web cũng chỉ mang tính minh họa |
Nhân viên khách sạn này cũng thừa nhận, các con số giảm giá trên web cũng không hề nhiều. Dù quảng cáo ưu đãi về giá nhưng khách đặt phòng qua website booking thường không được ưu ái so với khách đặt phòng trực tiếp và không được đàm phán để lấy phòng tốt.
Không ít khách du lịch còn phàn nàn trên mạng xã hội về tình trạng đặt phòng qua các trang web trực tuyến thường bị xếp các loại phòng kém chất lượng, không có cửa sổ,... chính vì thế, mức giá đặt phòng không hề rẻ chút nào. Bên cạnh đó, khách hàng còn phải thanh toán trước và sẽ bị tính phí khi hủy phòng. Các khiếu nại về giá phòng, kết thúc chuyến đi sớm hơn so với dự định cũng sẽ giải quyết rất lâu.
Kinh nghiệm được anh Đức, một dân phượt chuyên nghiệp đưa ra là khi đặt phòng trực tuyến nên đặt sớm sẽ có nhiều ưu đãi. Đặt phòng sớm khoảng 30-60 ngày là lý tưởng để chọn được phòng nghỉ giá rẻ và chất lượng tốt.
Tuy nhiên, người đặt cần tìm hiểu kỹ về thông tin giá trên web trực tuyến với giá của khách sạn có khác biệt nhiều không và kèm theo những điều khoản gì khi đặt phòng trực tuyến. Nếu đặt phòng khách sạn trong nước thì tốt nhất hãy đặt trên các website uy tín trong nước thay vì đặt trên các web nước ngoài. Bởi vì khi có bất cứ phát sinh gì, bạn có thể dễ dàng liên lạc, trao đổi, thương lượng.