Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chính thức bắt đầu sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% của chính quyền ông Donald Trump với các mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó 90% mặt hàng này là nguyên liệu sản xuất. Quyết định của ông Trump đã thổi thêm một bầu không khí căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ (nền kinh tế số 1 hành tinh) và Trung Quốc (đông dân nhất thế giới và là thị trường hấp dẫn nhất).
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Fulbright, nhìn bối cảnh toàn cầu, chiến tranh thương mại này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng, tác động cụ thể ra sao phải chờ thêm thời gian. Với Việt Nam, Tiến sĩ Du nói, cuộc chiến thương mại này sẽ "vừa tích cực, vừa tiêu cực".
Cũng như nhiều nước khác, lợi ích trực tiếp của Việt Nam đến từ cuộc chiến thương mại này, khi cánh cửa cho hàng Trung Quốc sang Mỹ dần khép lại với mức thuế suất nhập khẩu tới 25%, là có thể tận dụng được cơ hội thị trường Mỹ với các mặt hàng xuất khẩu cùng loại. Tương tự, nhiều hàng hóa Trung Quốc áp thuế cao đối với Mỹ không phải là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng thị trường.
"Cơ hội vào Mỹ với một số lĩnh vực lâu nay chúng ta cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc như dệt may, da giày... sẽ đến nhiều hơn", ông Du nói với VnExpress.
Hơn nữa, kinh tế Việt Nam vừa qua tăng trưởng với tốc độ kỷ lục một phần nhờ những khoản đầu tư nước ngoài (FDI). Nửa đầu năm 2018, tăng trưởng của Việt Nam đạt 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Tăng trưởng FDI nửa đầu năm cũng đạt 8,4% so với cùng kỳ năm trước, mức kỷ lục 10 năm qua.
Sự dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn đang là xu hướng. Căng thẳng về đầu tư Mỹ - Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và là cú hích để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.
Dẫu vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có rủi ro. Mỹ và Trung Quốc cũng là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất nên căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn chắc chắn tác động tới Việt Nam.
Nhắc lại chuyện Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng thép do cáo buộc xuất xứ từ Trung Quốc, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du lưu ý, trường hợp Trung Quốc 'mượn' Việt Nam làm bàn đạp để lách xuất xứ hàng nước này xuất sang Mỹ.
"Chúng ta đã từng bị nghi ngờ và có mặt hàng đã bị áp thuế cao do cáo buộc xuất xứ. Nếu Trung Quốc 'mượn' thị trường Việt Nam làm nguồn xuất xứ cho hàng hoá của nước này xuất sang Mỹ, sẽ là lợi bất cập hại", giảng viên Đại học Fulbright cảnh báo.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, những biện pháp bảo hộ, trả đũa qua lại nhau giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, nhất là về lâu dài.
Chủ tịch VCCI lo lắng nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại này, khi hàng hoá nước này khó vào Mỹ, và chuyển hướng sang các thị trường khác. Rủi ro này được Chủ tịch VCCI đặc biệt quan ngại, khi kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ 2017.
Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam sang nước láng giềng có thể sẽ khó khăn hơn khi một phần hàng hoá Trung Quốc lẽ ra xuất phẩu buộc phải tiêu dùng trong nội địa.
Nói tới căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tỏ ý lạc quan hơn khi đánh giá "căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hoàn toàn là câu chuyện chính trị".
Ông Lâm cắt nghĩa, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đẩy căng thẳng thương mại với Trung Quốc lên cao không gì khác ngoài nhằm bảo vệ lợi ích tập đoàn Mỹ.
"Hiện Trung Quốc có kế hoạch “made in China 2025”, tận dụng khoa học công nghệ cao của Mỹ để sản xuất hàng hóa chất lượng cao..., vì thế Mỹ muốn đẩy vấn đề lên để bảo vệ các tập đoàn nước này trong lĩnh vực công nghiệp", Tổng cục trưởng GSO giải thích thêm.
Ông Lâm cũng cho rằng, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn dừng ở mức áp dụng các biện pháp thuế quan, chưa dùng biện pháp phi thuế quan". Nếu các hàng rào kỹ thuật được dựng lên thì đúng là hàng hóa hai nước không thể sang được nhau, còn dùng biện pháp thuế quan thì vẫn có cơ hội", ông nói.
Tuy nhiên với vị trí tương đối bị động của Việt Nam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc có quan điểm cẩn trọng hơn. "Theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó..." là những cụm từ được vị này nhắc tới nhiều nhất, khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lộc nói đây là cách duy nhất để kịp thời phát hiện các dòng chuyển hướng thương mại, đầu tư, từ đó có biện pháp thích hợp nhằm tận dụng cơ hội hoặc ngăn chặn các nguy cơ. Từ các thông tin này của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ chủ động điều chỉnh sản xuất, tìm kiếm thị trường, đối tác hay cân nhắc sử dụng hoặc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong, ngoài nước.
"Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư... tổng hợp, phân tích nguy cơ, cơ hội với nền kinh tế và các ngành; thông tin kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp", ông Lộc đề nghị.
Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)