|
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (thứ hai từ trái sang) và giám đốc USAID Việt Nam Joakim Parker (thứ ba từ phải sang) chụp hình với lãnh đạo 5 tỉnh thành đạt chỉ số PCI 2015 cao nhất - Ảnh: Quỳnh Trung |
TS Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - đã khẳng định như vậy tại buổi công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015, diễn ra ở Hà Nội ngày 31-3. Trong khi đó ông Ted Osius - đại sứ Hoa Kỳ tại VN - nhận định cải thiện năng lực cạnh tranh chính là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam phát triển thành công và toàn diện hơn.
Chi phí “ngoài luồng” ngày càng tăng
Tại buổi công bố, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng phòng pháp chế VCCI, cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn phải tốn chi phí “ngoài luồng” và thời gian làm thủ tục quá nhiều. Trong đó, kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức có xu hướng tăng trong các năm qua, trong đó năm 2015 là 66%, cao hơn mức 64% của năm 2014 và 50% của năm 2013.
“Có đến 11% doanh nghiệp được khảo sát cho biết chi hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức, 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” - ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI cho rằng môi trường kinh doanh của VN đang kém hấp dẫn hơn các quốc gia cạnh tranh về chi phí không chính thức, gánh nặng thực hiện các quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công (giáo dục, y tế, các dịch vụ công khác), chất lượng và sự ổn định của cơ sở hạ tầng.
“Hơn 70% doanh nghiệp FDI khẳng định phải dành trên 5% quỹ thời gian trong năm giải quyết các thủ tục hành chính” - ông Tuấn nói.
Đặc biệt, một trong những phát hiện chính của PCI 2015 là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ngại lớn vì “càng lớn càng bị thanh tra nhiều”. Cụ thể, tỉ lệ bị thanh tra, kiểm tra từ ba lần trở lên trong năm 2015 đối với doanh nghiệp siêu nhỏ là 18%, doanh nghiệp nhỏ 24%, doanh nghiệp vừa 43% và doanh nghiệp lớn là 50%.
Ngoài ra, 39% doanh nghiệp cho rằng các tỉnh thành ưu ái tổng công ty, tập đoàn nhà nước, 49% cho rằng các tỉnh thành ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn phát triển khu vực tư nhân trong nước và 56% cho rằng ưu đãi các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Có cải thiện nhưng không nhiều
Theo ông Tuấn, kết quả khảo sát cũng cho thấy các địa phương nhóm trên bắt đầu có sự “chuyển động” rõ nét hơn về năng lực cạnh tranh. Cụ thể, điểm số PCI của Đà Nẵng hiện đạt mức tăng cao nhất từ năm 2012, tăng gần 1,5 điểm. Trong khi PCI của tỉnh thấp nhất Đắk Nông giảm hơn 1 điểm, quay về mốc xuất phát năm 2013 (48,9 điểm).
Khảo sát PCI năm nay ghi nhận những cải thiện ở các lĩnh vực tính minh bạch, thiết chế pháp lý (cùng tăng 0,15 điểm), tiếp cận đất đai (tăng 0,12 điểm), gia nhập thị trường và chi phí thời gian (cùng tăng 0,06 điểm). “Ở lĩnh vực gia nhập thị trường, thời gian chờ đăng ký và cấp giấy đăng ký doanh nghiệp đã được rút ngắn, bình quân chỉ còn 8 ngày thay vì 10-12 ngày như trước đây” - ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, tính minh bạch, khả năng tiếp cận các tài liệu kế hoạch cấp tỉnh như bản đồ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được cải thiện.
Theo đó, tỉ lệ doanh nghiệp truy cập cổng thông tin điện tử các tỉnh, thành phố tăng mạnh từ 64% (năm 2014) lên 72% năm 2015. Ông Tuấn cho rằng đây là một tỉ lệ rất tốt và việc các tỉnh thành công bố thông tin về môi trường kinh doanh, đầu tư trên website sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch.
Dù bị kêu nhiều nhưng chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cũng có tiến bộ đáng kể khi 51% doanh nghiệp cho biết thủ tục giấy tờ đã đơn giản hơn, 61% không phải đi lại nhiều lần để lấy con dấu và chữ ký, 67% cho biết cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả và 59% cho biết cán bộ nhà nước thân thiện và nhiệt tình.
Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu, TP.HCM đứng thứ 6 Theo kết quả điều tra PCI 2015, Đà Nẵng năm thứ ba liên tiếp trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 68,34, kế đến là Đồng Tháp (66,39 điểm) và Quảng Ninh (65,75 điểm). Những tỉnh thành còn lại trong top 10 lần lượt là Vĩnh Phúc (62,56), Lào Cai (62,32), TP.HCM (61,36), Thái Nguyên (61,21), Quảng Nam (61,06), Long An (60,86) và Thanh Hóa (60,74). |
Mức độ nhận thức và ủng hộ TPP tăng Mức độ nhận thức và ủng hộ dành cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung đã tăng lên. Điều này là do các doanh nghiệp đã có những hiểu biết nhất định về TPP. Tỉ lệ doanh nghiệp biết tới hiệp định này tăng từ 68% năm 2014 lên 78% năm 2015. Trong khi đó mức độ ủng hộ tăng từ 62% lên 72%. |