Chị em công sở chia nhau món chua lòm, chát xít đổi vị

17/02/2017 16:01:00

Mận non lắc, nhót bao tử chẩm chéo,... chua ghê răng, cay chảy nước mắt và chát xít đang là những món ăn vặt được chị em công sở gần đây thích thú, tạo thành trào lưu cho dù giá tới 150.000-200.000 đồng/kg tùy loại.

 

Mận non lắc, nhót bao tử chẩm chéo,... chua ghê răng, cay chảy nước mắt và chát xít đang là những món ăn vặt được chị em công sở gần đây thích thú, tạo thành trào lưu cho dù giá tới 150.000-200.000 đồng/kg tùy loại.

Chị Dung cho hay, trước kia chị nghiện cóc bao tử miền Tây, nhưng từ hồi ra Tết đến giờ, món nhót bao tử dầm chẩm chéo đánh bại tất cả. Ngày 8 tiếng ở công ty, chị ăn dè cũng hết 0,5kg nhót xanh chẩm chéo.

Chị em công sở chia nhau món chua lòm, chát xít đổi vị
Mận non lắc, mận non dầm...

“Bình thường là nhót xanh, ăn không quá 3 quả đã ghê răng và chào thua. Nhưng, nhót xanh bao tử ăn theo kiểu của người dân tộc Tây Bắc thì tuyệt cú mèo, có mà cả cân cũng không chán”, chị nói.

Món nhót kiểu mới này có đủ các vị chua, cay, chát. Chị Dung cho hay ăn vào cảm giác chua đến mức trợn mắt, cay hít hà và chát xít - vị mới lạ, không thể lẫn vào đâu được. Song, dù có nghiện đến đâu mỗi ngày chị cũng chỉ dám chi 100.000 đồng đặt mua 0,5kg nhót chẩm chéo về ăn.

Tương tự, chị Nguyễn Trà My làm cho một công ty phần mềm ở Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ, chị mê tất cả các món ăn vặt có vị chua, cay, mặn, ngọt và chát. Ví như nhót chẩm chéo, mận non dầm muối ớt hay mận non lắc. Theo đó, đến công ty, các chị em lại rủ nhau góp tiền mua mấy món này về ăn.

Chị em công sở chia nhau món chua lòm, chát xít đổi vị
...và món nhót bao tử chẩm chéo đang là những món ăn vặt tạo nên cơn sốt trong những ngày đầu năm này

“Hôm thì 2kg nhót bao tử chẩm chéo, hôm thì 3kg mận non dầm muối ớt. Thế mà, ăn từ nửa buổi sáng đến ngang giờ chiều đã hết sạch. Ngay cả chị trưởng phòng, ban đầu cũng buông một câu 'quả xanh lại chát xít có gì ngon mà ăn', nhưng rồi cũng thành con nghiện. Có hôm, cả phòng mắt tròn mắt dẹt vì thấy chị lôi từ ngăn bàn ra món nhót chẩm chéo có kèm cả bắp cải, rau mùi và lá tỏi mời cà phòng”, chị My chia sẻ.

Ngoài các loại cóc bao tử dầm muối tôm, xoài lắc đã xuất hiện từ trước đó, dịp này, trên "chợ mạng" còn bán nhót bao tử chẩm chéo, mận non lắc - các món mới đang tạo nên trào lưu trong giới văn phòng. Tuy nhiên, giá của chúng cũng cao ngất ngưởng.

Đơn cử, nhót xanh bao tử giá 50.000-70.000 đồng/kg, nhót bao tử dầm chẩm chéo 200.000 đồng/kg, bán theo set (gồm nhót, chẩm chéo, rau bắp cải, mùi) là 55.000-70.000 đồng/set, tùy trọng lượng. Còn mận 100.000 đồng/kg mận cơm non, mận hậu trái mùa 90.000 đồng/kg; mận lắc, mận dầm muối ớt 150.000 đồng/kg,...

Chị em công sở chia nhau món chua lòm, chát xít đổi vị
Nhót xanh nguyên liệu đang là mặt hàng cực kỳ hút khách

Chị Lê Thanh Thảo chuyên bán các loại đồ ăn vặt tại Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, nhót chẩm chéo và mận non lắc là món ăn vặt đang không có đối thủ, không chỉ chị em, tuổi teen mà cánh đàn ông cũng khoái mua về nhậu.

Mận lắc là món mới sau cơn sốt xoài lắc năm ngoái, còn nhót bao tử chẩm chéo là món ăn truyền thống của người dân tộc Thái trên vùng Tây Bắc. Một ngày cật lực, chị bán hết gần 1 tạ nhót chẩm chéo và khoảng 50 cân mận non lắc.

“Khách càng ngày càng đông. Lúc đầu tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách, giờ thì làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí có hôm cháy hàng”, chị Thảo cho hay.

Chị em công sở chia nhau món chua lòm, chát xít đổi vị
Thậm chí mận cơm càng tăng giá do lái buôn tranh nhau mua

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Du ở Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) - một đầu mối chuyên đổ buôn hoa quả các loại, cho hay, đang vào mùa nhót xanh nên mỗi ngày anh đổ buôn 1,5-2 tấn, còn mận mới vào mùa nên chỉ khoảng 5 tạ.

Khách lẻ toàn lấy cả tạ, không thì cũng 50-70kg mỗi lần.

“Bình thường, càng vào mùa giá càng giảm vì nguồn cung dồi dào. Nhưng do khách đặt mua nhiều nên giá vẫn giữ ở mức cao. Ví như nhót xanh, giá đổ buôn đã 35.000 đồng mà chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi đó, mận cơm bao tử Sơn La thường thì 45.000 đồng/kg nay đã tăng lên 50.000 đồng/kg vì các đầu mối tranh nhau lấy”, anh Du chia sẻ.

Theo Như Băng (VietNamNet)