Chi 8.500 tỷ đồng nhập trái cây: Người Việt "nghiện" trái cây Thái?

03/07/2017 11:01:00

Theo thống kê sơ bộ của Bộ NNPTNT, 6 tháng qua Việt Nam đã nhập 507 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) mặt hàng trái cây. Trong đó, giá trị trái cây nhập khẩu từ Thái Lan lên tới hơn 8.500 tỷ đồng. Vì sao nước ta - một nước sản xuất trái cây nhiều, có nhiều loại ngon và giá trị cao, lại phải nhập lượng trái cây lớn như vậy, nhất là từ Thái Lan?

Theo thống kê sơ bộ của Bộ NNPTNT, 6 tháng qua Việt Nam đã nhập 507 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) mặt hàng trái cây. Trong đó, giá trị trái cây nhập khẩu từ Thái Lan lên tới hơn 8.500 tỷ đồng. Vì sao nước ta - một nước sản xuất trái cây nhiều, có nhiều loại ngon và giá trị cao, lại phải nhập lượng trái cây lớn như vậy, nhất là từ Thái Lan?

Cuối tuần qua, dạo một vòng quanh các khu chợ đầu mối nông sản và các điểm kinh doanh trái cây lớn tại TP.HCM, phóng viên NTNN ghi nhận các sản phẩm trái cây nhập khẩu từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ được bày bán la liệt, cạnh các sản phẩm trái cây truyền thống của Việt Nam. Đơn cử như tại các con đường lớn Điện Biên Phủ (quận 3), Thành Thái (quận 10), Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), gần đây các cửa hàng chuyên nhập khẩu, kinh doanh sỉ và lẻ các loại trái cây mọc lên dày đặc. Khách có thể dễ dàng chọn mua các sản phẩm trái cây có nguồn gốc từ Úc, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc… với giá vài chục ngàn đến cả triệu đồng/kg, tùy loại.

Chi 8.500 tỷ đồng nhập trái cây: Người Việt "nghiện" trái cây Thái? - 1

Bòn bon có xuất xứ Thái Lan bán tại cửa hàng trên đường Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh,TP.HCM). Ảnh: T.H

Tại siêu thị BigC An Phú (quận 2, TP.HCM), kệ hàng trái cây ôn đới luôn đầy ắp các sản phẩm nhập khẩu, được bảo quản lạnh, bao gói và tem nhãn cẩn thận, bắt mắt. Bên cạnh một số loại quen thuộc, còn có thêm nhiều loại trái cây mới như nho tiêu không hạt (loại nho chùm, trái nhỏ như hạt tiêu, không hạt), nho mẫu đơn từ Nhật Bản… với giá lên tới gần 1 triệu đồng/kg.

Nếu trước đây, trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có một số sản phẩm đặc trưng như chôm chôm, me, bòn bon, mây, thì nay chủng loại đã tăng lên nhiều. Các loài trái cây Thái như xoài, quýt, sapôchê (hồng xiêm), sầu riêng, mít, và cả táo xanh... đều có nhiều ở chợ và các cửa hàng. Ông Mười Hai - chủ vựa trái cây E3 tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) cho hay, mỗi ngày ông tiêu thụ khoảng 1 tấn măng cụt nhập từ Thái Lan, còn các loại trái cây Thái Lan khác như bòn bon, chôm chôm, mỗi loại khoảng 2 – 3 tấn/ngày… Vào đầu mùa mưa, khi giá thành hạ, lượng bán ra sẽ tăng lên nữa. Các sản phẩm trái cây này còn được ông bán sỉ về tận các tỉnh thuộc “vương quốc cây ăn trái” Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang… Theo ông Mười Hai, dù giá trái cây Thái Lan cao hơn trái cây nội song người tiêu dùng lại chuộng các loại bòn bon, măng cụt nhập khẩu hơn sản phẩm nội địa do trái to, cơm dày, chất lượng cũng đáng tin...

Chi 8.500 tỷ đồng nhập trái cây: Người Việt "nghiện" trái cây Thái? - 2

Ảnh: Hồng Liên

Tương tự, tại địa bàn Hà Nội, hàng trăm loại hoa quả nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, New Zealand… đang tràn ngập các siêu thị, cửa hàng trái cây nhập khẩu với giá bán không cao hơn giá bán lẻ ngoài chợ truyền thống là mấy. Tại một siêu thị ở quận Cầu Giấy, trái cây nhập khẩu có giá rẻ giật mình so với các siêu thị khác, cũng như các cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu. Cụ thể, táo Queen được ghi xuất xứ New Zealand niêm yết giá 39.900 đồng/kg; táo Mỹ đỏ giá 39.900 đồng/kg; táo Fuji Pháp 45.900 đồng/kg; lê Nam Phi giá 79.900 đồng/kg; kiwi vàng New Zealand 135.000 đồng/kg; một số loại nho nhập khẩu giá cũng chỉ từ 40.000- 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các siêu thị, cửa hàng hầu như không thấy bóng trái cây Thái Lan.

Chi 8.500 tỷ đồng nhập trái cây: Người Việt "nghiện" trái cây Thái? - 3

Trái cây Thái Lan thường có mẫu mã rất đẹp.

Nhập khẩu rồi tái xuất?

Theo TS Lương Ngọc Trung Lập – Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả miền Nam), đối với các loại trái cây ôn đới như táo, lê… Việt Nam không sản xuất được nhưng nhu cầu sử dụng khá cao, do đó việc nhập khẩu và nhập nhiều là điều dễ hiểu. Nhưng có nghịch lý là ngay cả các loại trái cây nhiệt đới trong nước sản xuất được, thậm chí sản lượng rất lớn, song Việt Nam vẫn nhập khẩu từ các nước, như Thái Lan.

Theo ông Lập lý giải, lượng hàng trái cây Thái Lan nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ trong nước không nhiều, phần lớn là theo dạng tạm nhập tái xuất. Ông Lập cho biết, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn trái cây Thái Lan, là thị trường dễ tính, không yêu cầu cao về chất lượng. Do Thái Lan muốn “nâng tầm” sản phẩm trái cây của nước này để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính nên bắt đầu thu hẹp sản xuất đại trà, tập trung tăng chất lượng sản phẩm, giảm xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc luôn “đói hàng”, nhiều thương lái và các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội này đã tăng nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam, sau đó thay đổi tem, nhãn mác để xuất khẩu vào Trung Quốc.

“Trái cây Thái Lan kích cỡ đồng đều, chất lượng ổn định nên dễ bán hơn so với hàng nội địa của Việt Nam, giá cũng rất tốt. Dù vậy, số lượng nhập về để tiêu thụ trong nước không nhiều” - ông Lập phân tích.

Ông Nguyễn Đình Tùng – Giám đốc Công ty T&T Vina (chuyên xuất khẩu trái cây) cũng cho biết, doanh nghiệp của ông từng gặp trường hợp thương lái “đánh tráo” xuất xứ trái cây để xuất khẩu. Ông Tùng kể, tháng trước, nhãn Việt Nam mất mùa nên giá rất cao, doanh nghiệp “đứt hàng”. Do đó, một số thương lái đã nhập khẩu nhãn Thái Lan, sau đó tráo thành nhãn Việt Nam để cung cấp cho doanh nghiệp của ông để xuất khẩu.

Ông Tùng cũng cho rằng hiện tại là mùa chính vụ thu hoạch các sản phẩm trái cây Thái Lan như nhãn, chôm chôm, sầu riêng… nên giá bán rất rẻ, trong khi đó hệ thống kiểm soát chất lượng trái cây nhập khẩu còn khá lỏng lẻo. 

Hàng tiểu ngạch cũng phải kiểm soát

GS-TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, cho rằng đa phần trái cây Thái Lan vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch qua khu vực biên giới với Campuchia. Nhưng hàng rào kỹ thuật của Việt Nam còn mỏng và chưa bài bản, bộ phận kiểm dịch thực vật phía Nam chủ yếu chỉ hoạt động ở các cửa khẩu khu vực TP.HCM, các nơi khác còn rất yếu. Do đó, phải quản lý được chất lượng của hàng tiểu ngạch.

Theo Thuận Hải - Hồng Liên (Dân Việt)