Đầu tiên là máy móc, thiết bị: Năm 2015, tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này khoảng 27,59 tỷ USD, tăng mạnh 23,1% so với năm 2014. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá là 9,03 tỷ USD, tăng 15,02%.
Thứ hai là nguyên liệu dệt may, da giày: Tính cả năm, Việt Nam nhập khẩu 18,3 tỷ USD nguyên liệu da giày, dệt may. Trong đó, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 7,62 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.
Thứ ba là linh kiện và phụ kiện điện thoại: Trong năm 2015, Trung Quốc là thị trường chính cung cấp điện thoại và linh kiện cho Việt Nam với giá trị nhập khẩu gần 6,91 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2014.
Thứ tư sắt thép: Lượng nhập khẩu sắt thép cả nước năm 2015 là 15,7 triệu tấn, tăng 33,1% về lượng. Trong đó, Việt Nam nhập của Trung Quốc đạt 9,6 triệu tấn, tăng 54% so với cùng kỳ và chiếm 61,3% tổng lượng nhập khẩu nhóm này của cả nước .
Về giá trị, Việt Nam đã nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc với giá trị đạt 1,32 tỷ USD, tăng 28,5% so với năm 2014.
Thứ năm là ô tô: Trong năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 125 nghìn ô tô nguyên chiếc, tăng 77%, giá trị nhập khẩu là 2,99 tỷ USD, tăng 88% so với năm 2014.
Trung Quốc vẫn là thị trường chính cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam trong năm với 26,74 nghìn chiếc, tăng mạnh 94,7%. Giá trị nhập khẩu ước đạt 1,02 tỷ USD.
5 nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc năm 2015 |
Thống kê cho thấy, trong ba năm trở lại đây, tốc độ Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng mạnh. Cụ thể, năm 2015 nhập siêu của Việt Nam từ thị trường này 32,3 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với năm 2014 và gần 9 tỷ USD so với năm 2013.
Điều đáng bàn là, trong khi Việt Nam mở rộng đối tác bạn hàng với nhiều nước ASEAN nhưng máy móc, thiết bị vẫn nhập nhiều nhất từ Trung Quốc.
Nhận định về vấn đề này, GS Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam khẳng định nếu không cảnh tỉnh, hàng hóa Trung Quốc sẽ phá vỡ sản xuất trong nước và tiêu diệt các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Thái cho hay, thời gian qua, xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc không chỉ gia tăng về số lượng, giá trị mà còn mở rộng về quy mô.
Nếu như trước đây, Việt Nam chỉ nhập các mặt hàng không sản xuất được hoặc thiếu thì nay nhập cả những sản phẩm trong nước tự làm được như sắt thép, may mặc giá rẻ... Các mặt hàng Việt Nam không thể cạnh tranh nổi về chi phí sản xuất lẫn giá sản phẩm.
"Nếu tiếp tục, hành động này sẽ phá vỡ sản xuất trong nước, tiêu diệt các doanh nghiệp Việt Nam vì chúng ta không thể cạnh tranh nổi về chi phí sản xuất lẫn giá sản phẩm”, ông Thái cảnh báo.
Báo cáo mới đây của CTCK Vietcombank (VCBS) cũng cho hay, lĩnh vực sản xuất và đầu tư tư nhân nội địa của Việt Nam, vốn phục hồi chưa mạnh và chưa bền vững, sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và thử thách.
Trong khi đó, với sự giảm tốc của nền kinh tế, Trung Quốc có thể “xuất khẩu khủng hoảng” sang những quốc gia khác, đặc biệt Việt Nam.
Theo An Nhiên (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)