Dịch lắng, khách đi chơi trở lại
Ở khách sạn 5 sao 2 đêm đã bao gồm vé máy bay khứ hồi đến Đà Nẵng trong tháng 3 giá chỉ 2,19 triệu/khách; combo khách sạn 5 sao xịn Six Sences Ninh Van Bay ở Nha Trang có 7,7 triệu/khách 3 ngày 2 đêm bao gồm vé bay khứ hồi, các hãng bay tung ra cả triệu vé 0 đồng, 88.000 đồng/chặng... những thông tin quảng cáo giá rẻ bèo xuất hiện la liệt, khiến nhiều tín đồ du lịch “cuồng chân”.
Tuy nhiên, chị Lê Hải Nga và nhóm bạn gồm 5 người quyết định gần ngày đi, chỉ trước khoảng 1 tuần đến 10 ngày, mới đặt vé và phòng đi chơi. Lý do, chị Nga giải thích, bởi sợ dịch bệnh bùng phát, dễ bị mất cả chuyến đi như năm ngoái. Ngay dịp Tết vừa rồi, chị cũng phải lùi chuyến đi Hạ Long sang tháng 3.
Với các công ty lữ hành, các tour cũng đã khởi động trở lại từ cuối tháng 2. Do là mùa thấp điểm nên lượng khách đi du lịch chưa nhiều, nhưng có xu hướng tăng. Phía Bắc chủ yếu là tour đi lễ đầu năm, đi ngắm hoa lê, mận,... ở vùng cao Đông - Tây Bắc, còn phía Nam vẫn là tour biển đảo hay Đà Lạt, Tây Nguyên.
Ông Hồ Xuân Phúc, Giám đốc công ty du lịch Hanotours, nói rằng công ty nhận được khá nhiều cuộc gọi của khách hỏi thông tin tour đi lễ ở quần thể các chùa như Tam Chúc (Hà Nam), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), mới đây có thêm chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh),... và các tour Đông Bắc, Tây Bắc. Chẳng hạn, Hanotours có 22 khách đi Lai Châu - Lào Cai 4 ngày từ 14-17/3, 110 khách đi Sa Pa từ 19-20/3; 70 khách đi Hà Giang giữa tháng 4; 5-6 đoàn (15-25 người/đoàn) đi Côn Đảo ghép lẻ trong tháng 3...
Ngoài khách mua tour trọn gói, không ít người hỏi mua lẻ dịch vụ hoặc combo vé máy bay - khách sạn đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt,... riêng Quy Nhơn và Đà Nẵng thì ít.
Theo ông Phúc, giá tour vẫn giữ trong khung giá như đợt kích cầu sau dịch của năm ngoái, chẳng hạn như tour từ Hà Nội đi Côn Đảo 5,9 triệu đồng/người 3 ngày 2 đêm.
Tại Flamingo Redtours, đại diện công ty cho biết từ tháng 3, khi dịch bệnh tạm lắng, khách bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Mỗi tuần, công ty có trung bình 10-14 đoàn khách. Các tuyến được lựa chọn nhiều là Tây Nguyên, Đà Lạt ở phía Nam hay Hà Giang, Cao Bằng ở phía Bắc. Riêng hệ thống các resort của Flamingo ở Đại Lải, Cát Bà thì gần kín khách.
Tại phía Nam, cuối tháng 2, TST Tourist khởi động trở lại với đoàn khách đầu tiên đi Phú Quốc. Đảo Ngọc sẽ đón thêm một đoàn khách lớn của công ty trong tháng 3. Đến nay, tổng lượt khách của TST đạt hơn 800 người.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing, đánh giá, thời điểm này, khách đi du lịch đang có xu hướng tăng chứ chưa tăng ồ ạt. Đây chủ yếu là khách đoàn từ các doanh nghiệp, khách MICE, còn khách lẻ vẫn là nhóm gia đình. Khách đi để giải tỏa lực nén nhu cầu do kỳ nghỉ Tết bị tạm hoãn bởi dịch bệnh.
Tại Vietravel, trong tuần cuối tháng 2 cũng ghi nhận số khách mỗi ngày tăng gấp 3 lần so với tuần trước đó. Tỷ trọng khách đi du lịch trọn gói chiếm 70%, còn lại là khách mua dịch vụ xe/máy bay và khách sạn.
Ông Trần Thế Dũng, Giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) cho biết dịp Tết vừa qua công ty có 10 đoàn khách đi Huế, Đà Lạt, Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc,... bị đình lại do dịch bệnh, với khoảng 300 người. Từ nay đến 30/4, các đoàn sẽ khởi động trở lại và ông tin tưởng, du lịch dịp nghỉ lễ tới sẽ phục hồi nếu dịch bệnh êm.
Thận trọng, không đặt trước quá xa
Ghi nhận từ các công ty du lịch, rõ ràng khách có nhu cầu và xu hướng đi du lịch trở lại, nhưng do dịch Covid-19 vẫn bùng phát lẻ tẻ nên cả phía lữ hành và du khách đều thận trọng, không dám đặt dịch vụ trước thời điểm đi quá xa.
Ông Hồ Xuân Phúc cho hay, khách du lịch đăng ký hỏi tour xa cũng có, có đoàn đi tháng 4 hoặc tháng 6, nhưng khi yêu cầu ngày cụ thể để nhân viên đặt vé máy bay thì rất ít chốt được bởi còn nghe ngóng tình hình dịch bệnh. Khách lẻ thì sát ngày đi mới đăng ký. Vì thế, phía lữ hành khó chủ động được kế hoạch, ngân sách,... cho ngày khởi hành.
“Như Hanotours có đợt vẫn liều đặt cọc vé máy bay trước 14 ngày dù chưa có khách nào, cách ngày đi 3-4 ngày mới gom đủ đoàn”, ông Phúc nói.
Theo ông, không có chuyện khách ồ ạt đặt tour dịp lễ 30/4-1/5 vì các cơ sở lưu trú còn rất nhiều, khách vẫn e ngại dịch. Việc khách ồ ạt hỏi thông tin thì có, nhưng xuống tiền hay không lại là câu chuyện khác. Có thể trong giai đoạn này, khách lẻ thấy dịch vụ rẻ quá (rẻ hơn so với công ty du lịch do nhà cung cấp tại các địa phương tự làm việc với khách) nên ồ ạt tự đi theo nhu cầu cá nhân, sẽ an toàn và chủ động hơn.
Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc công ty lữ hành Vietrantour, thừa nhận, khách vẫn cân nhắc đi du lịch do thận trọng trước diễn biến dịch bệnh và chủ trương của Chính phủ trong phòng chống dịch. Vì thế, khách có quan tâm nhưng nếu nói ồ ạt hoặc bình thường như các năm là khó.
Trên thực tế, đến nay, trên trang web cũng như facebook của các công ty du lịch lớn như Vietravel hay Saigontourist và một số đơn vị khác vẫn chưa có thông tin về tour dịp lễ 30/4-1/5.
Bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Fiditour-Vietluxtour, cho hay, từ giữa quý 1/2021, tình hình du lịch đã có tín hiệu nhộn nhịp hơn song chưa thể nói là ồ ạt.
Tuy nhiên, việc khách đi du lịch trở lại là tín hiệu khả quan, là bước đệm cho thấy nếu dịch được kiểm soát tốt, du lịch nội địa có thể bùng nổ vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Đại diện Flamingo Redtours cho rằng, cứ đà này, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, các tour 30/4-1/5 sẽ khá “hot” vì nghỉ lễ dài ngày và sau một thời gian kìm nén, khách cũng muốn đi du lịch trở lại.
“Khoảng đầu đến giữa tháng 4, khách đặt tour có thể sẽ tăng mạnh”, bà Trần Bảo Thu dự đoán.
Theo Ngọc Hà (VietNamNet)