Chênh lệch 20 triệu/lượng: Sự bất thường giá vàng Việt Nam

09/07/2022 09:02:48

Giá vàng trong nước duy trì ở mức cao bất chấp đà giảm mạnh của giá vàng thế giới. Giá vàng miếng luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý. Chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với thế giới ở mức rất cao, tới gần 20 triệu đồng/lượng.

Vài ngày gần đây, giá vàng thế giới “lao dốc không phanh”, chạm mức thấp nhất trong vòng gần 9 tháng qua. Cụ thể, vào ngày 6/7, giá vàng thế giới rớt mạnh từ 1.800 USD/ounce xuống 1.765 USD/ounce. 

Ngày 7/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu, chỉ còn 1.741 USD/ounce. Vàng trở nên kém hấp dẫn khi đồng USD tăng cao và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hé lộ sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ giờ tới cuối năm.

Tới ngày 8/7, giá vàng thế giới nhích nhẹ. Vào lúc 13h30' ngày 8/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mốc 1.742 USD/ounce. So với mức đỉnh hơn 2.000 USD/ounce được lập vào tháng 3 vừa qua thì giá vàng thế giới hiện đã hạ tới gần 300 USD/ounce.

Trong khi giá vàng thế giới giảm mạnh thì giá vàng trong nước vẫn neo cao. Theo đó, vào chiều 6/7, giá vàng miếng SJC được bán ra ở mức 68,45 triệu đồng/lượng, chỉ giảm 350.000 đồng/lượng so với cuối ngày 5/7 dù giá vàng thế giới giảm khoảng 1,1 triệu đồng/lượng. Có thể thấy, giá vàng trong nước giảm nhỏ giọt với mức giảm chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức giảm trên thị trường thế giới.

Tới ngày 7/7, giá vàng miếng SJC đứng yên ở mức 68,45 triệu đồng/lượng (bán ra) dù giá vàng thế giới giảm sâu, về mốc 1.741 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới chỉ tương đương 49,33 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá bán vàng miếng SJC ngày 7/7 cao hơn giá vàng thế giới tới 19,12 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch 20 triệu/lượng: Sự bất thường giá vàng Việt Nam
Giá vàng miếng chênh cao so với giá vàng thế giới.

Đến ngày 8/7, giá vàng trong nước bật tăng mạnh, cùng chiều với giá vàng thế giới. Sáng nay (8/7), giá vàng miếng SJC được giao dịch tại Hà Nội ở mức 67,95 - 68,57 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 100.000 đồng/lượng so với phiên trước. Hiện giá vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khi quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ và chưa tính thuế, phí là khoảng gần 20 triệu đồng/lượng.

Điều đáng nói, không ít phiên giao dịch, giá vàng SJC diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới. Tức khi giá vàng thế giới giảm mạnh thì giá vàng trong nước vẫn đi ngang hoặc tăng mạnh. Điều này khiến mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế ngày càng tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có lúc “phi vọt” lên mức kỷ lục gần 20 triệu đồng/lượng.

Nhiều chuyên gia cho biết không có nước nào trên thế giới có mức chênh lệch quá lớn như vậy. Ở nhiều nước, mức chênh lệch giữa giá vàng nội - ngoại chỉ vài USD/ounce. Chẳng hạn, tại Singapore, chênh lệch giữa giá vàng của nước này với giá vàng thế giới chỉ khoảng 5-6 USD/ounce, tức chỉ đắt hơn vàng thế giới chỉ khoảng 170.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC không chỉ chênh lệch bất thường so với giá vàng thế giới mà còn đắt hơn vàng nữ trang, vàng nhẫn tới mức khó tin. Vàng nhẫn SJC hiện được giao dịch ở 51,85 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 52,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. So với giá bán vàng nhẫn 9999 tại Công ty SJC, giá vàng miếng SJC đang cao hơn tới hơn 16 triệu đồng/lượng.

Ngay cả thời điểm giá vàng SJC lập đỉnh ở mốc 74,4 triệu đồng/lượng thì giá vàng nhẫn tròn trơn vẫn chỉ ở mức 56 triệu đồng/lượng. Điều này có nghĩa người mua vàng miếng SJC phải chịu thiệt hơn so với mua vàng nhẫn tròn trơn tới 16-20 triệu đồng/lượng. Mà vàng miếng SJC hay vàng nhẫn 9999 thì đều có hàm lượng vàng như nhau, chỉ khác về hình thức bên ngoài.

Chênh lệch giá mua vào và bán ra của vàng miếng SJC cũng rất xa. Hiện chênh lệch mua - bán của giá vàng miếng SJC dao động 600.000 - 620.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, vào tháng 3 vừa qua, chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng miếng SJC trong nhiều phiên đã vượt 2 triệu đồng, có thời điểm nhiều tiệm vàng kéo rộng biên độ giá bán và mua vàng miếng SJC lên tới gần 3 triệu đồng. Điều này có nghĩa là nếu mua vào 1 đồng thì phải bán ra gần 3 đồng mới có lãi.

Một điểm lạ nữa trên thị trường vàng Việt Nam là luôn có sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu. Thông thường, chênh lệch này chỉ lên tới 1-2 triệu đồng.  Song vào tháng 3 vừa qua, chênh lệch giữa vàng miếng SJC với các loại vàng chất lượng 9999 của các thương hiệu khác liên tục được nới rộng ra. Chênh lệch giá giữa các thương hiệu có thời điểm lên tới gần 17 triệu đồng.

Thị trường vàng trong nước đang "lạc lõng" so với diễn biến trên thị trường thế giới. Trong khi vàng ở nhiều nước trên thế giới được định giá theo cung - cầu, theo tuổi vàng, theo hàm lượng vàng… thì ở Việt Nam, giá vàng miếng SJC dường như nằm ngoài những quy luật chung.

Mức chênh lệch của giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới đã xuất hiện từ nhiều năm nay và khoảng cách này ngày càng được nới rộng. Song đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái để thu hẹp khoảng cách này.

Mới đây, tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi về diễn biến bất thường của giá vàng SJC trong thời gian qua, tạo tâm lý bất an cho người dân, làm méo mó thị trường. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có giải pháp kéo giá vàng SJC về đúng giá trị thực.

Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất. Và từ thời điểm đó, vàng miếng SJC đã được chọn làm thương hiệu vàng miếng độc quyền của quốc gia.

Nhiều người cho rằng, Nghị định 24 ra đời đã góp phần tạo sự ổn định cho thị trường vàng nhưng đến nay, một số quy định đã không còn phù hợp. Sự độc quyền khiến giá vàng trong nước, nhất là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới đến mức phi lý. 

Giới chuyên môn nhận định, nguồn cung vàng SJC đang ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu của người dân lại chủ yếu nhắm vào mặt hàng này. Nếu cơ quan quản lý không có động thái can thiệp, xu hướng nhập lậu vàng theo đường biên mậu sẽ tiếp tục gia tăng. Việc này sẽ tác động lên tỷ giá chợ đen cũng như gây “chảy máu” ngoại tệ.

Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)