Trong cuộc họp hôm qua (1/7), giới chức châu Âu đã quyết định sẽ không đàm phán thêm với Hy Lạp về việc cứu trợ trước cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào Chủ nhật này.
Trước đó, tối ngày 30/6, chỉ vài giờ trước khi bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố vỡ nợ do không hoàn trả đúng hạn khoản vay 1,5 tỷ euro, ông Tsipras đã gửi một lá thư đến nhóm chủ nợ. Trong đó, ông cho biết có thể chấp thuận các điều kiện thắt chặt và chỉ đề xuất vài thay đổi nhỏ.
Người Hy Lạp xếp hàng chờ lĩnh lương hưu tại các nhà băng hôm qua. Ảnh: Bloomberg |
Bộ trưởng Tài chính Đức - Wolfgang Schäuble cho rằng đề nghị của Hy Lạp "không thể là nền tảng cho các giải pháp nghiêm túc", do thiếu "sự rõ ràng". Ông cũng cho biết họ luôn sẵn sàng nói chuyện, nhưng "chẳng có nền tảng nào để đàm phán nghiêm túc với Hy Lạp tại thời điểm này".
Trong bài phát biểu trước Quốc hội chiều qua, Thủ tướng Đức - Angela Merkel cũng cho biết Đức vẫn sẵn sàng khôi phục đàm phán về cứu trợ tài chính với Hy Lạp, nhưng sẽ không tiến đến thỏa thuận bằng mọi giá. Bà nhấn mạnh Thủ tướng Tsipras phải đáp ứng các điều kiện nếu muốn nhận thêm tiền cứu trợ và sẽ đợi cho đến khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra.
Cuộc bỏ phiếu này đã được Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras thông báo vào tuần trước. Theo đó, người dân sẽ được trao quyền quyết định có chấp nhận các điều kiện thắt lưng buộc bụng của nhóm chủ nợ để đổi lấy tiền giải cứu hay không. Chính phủ hiện vẫn thúc giục câu trả lời "Không", để họ có thêm vị thế đàm phán. Kết quả này, theo giới chức châu Âu, sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình Hy Lạp rời eurozone mà thôi. Còn ngược lại, nếu người Hy Lạp đồng ý, chính quyền của Thủ tướng Tsipras có nguy cơ sụp đổ chỉ sau 5 tháng đắc cử.