Nguồn cung trên thị trường tới đây lên tới nhiều tỷ USD nhưng các NĐT có thể sẽ hấp thụ hết, miễn là chính sách IPO thích hợp. Những thương vụ IPO lớn xuất hiện, những tên tuổi DN lớn lên sàn có thể sẽ định hình lại cuộc chơi trên sàn chứng khoán.
Dồn dập hàng khủng
Đầu tháng 12 tới, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 311 triệu cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC để huy động khoảng 9,6 ngàn tỷ đồng.
Nếu thành công, đây là sẽ phiên IPO có giá trị lớn thứ 2 trong lịch sử sau phiên IPO của Vietcombank cách đây 10 năm (10,5 ngàn tỷ đồng). Becamex IDC có vốn điều lệ hơn 13 ngàn tỷ đồng. Số lượng cổ phần đem ra đấu giá tương đương 23,6% vốn điều lệ dự kiến.
Với mức giá khởi điểm 31 ngàn đồng/cp, Becamex IDC có quy mô vố hóa khoảng 41 ngàn tỷ đồng (gần 2 tỷ USD).
Sau Becamex IDC, các “ông lớn” như Tập đoàn Cao su (VRG), Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PVOil,... cũng sẽ công bố kế hoạch IPO.
Đây đều là những tập đoàn rất lớn. VRG có giá trị lên tới gần 50 ngàn tỷ (2,2 tỷ USD), quy mô IPO khoảng 13 ngàn tỷ; Lọc hóa dầu Bình Sơn có giá trị thực tế khoảng 73 ngàn tỷ đồng (3,2 tỷ USD); PVOil được định giá sơ bộ khoảng 12 ngàn tỷ đồng, tương đương 520 triệu USD,...
Một loạt doanh nghiệp lớn khác cũng sẽ IPO ngay cuối 2017 và khó có thể chậm hơn nữa, điển hình như: Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - PV Power (vốn điều lệ gần 22 ngàn tỷ đồng), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (vốn điều lệ hơn 13 ngàn tỷ đồng), Tổng công ty Phát điện 3 - Genco3 (vốn điều lệ gần 8,7 ngàn tỷ đồng).
Sắp tới, nhiều ngân hàng sẽ lên sàn với quy mô cũng rất lớn, mang đến một nguồn cung khổng lồ cho thị TTCK. Sau dầu khí, sang 2018, nhiều khả năng sẽ đến hàng loạt ông lớn ngành điện.
Cũng ngay trong nay, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCICsẽ thoai vốn khỏi Vinamilk (VNM), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), FPT, Vinaconex (VCG), SAB (Sabeco) và BHN (Habeco),... Danh mục của SCIC hiện tại có giá trị nhiều tỷ USD. SCIC vừa công bố chào bán 48,4 triệu cổ phần Vinamilk với giá khởi điểm 150 ngàn đồng.
Rất nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng triển khai kế hoạch hút vốn lên tới vài ngàn tỷ đồng.
Từ cuối năm ngoái tới nay, giới đầu tư cũng đã chứng kiến một loạt các vụ IPO lớn như: Petrolimex (PLX), VietJet Air (VJC) hay VPBank (VPB),... giúp quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) tăng mạnh.
Tuy nhiên, với nguồn cung khổng lồ và dồn dập, không ít nhà đầu tư lo lắng hàng hóa cho TTCK sẽ vượt xa so với sức cầu, nhất là khi thanh khoản trên thị trường gần như không cải thiện nhiều tháng gần đây.
Đại gia mai phục, chẳng tiếc tỷ USD
Mặc dù vậy, nhiều tín hiệu cho thấy, khả năng hấp thụ nguồn hàng sắp tới vẫn rất cao.
Trong nước, hàng loạt NĐT nội săn mua các cổ phiếu lớn lên sàn hồi cuối 2016 và đầu 2017 đã thắng lớn như trường hợp tại VPBank, VIBank, Vietnam Airlines, Petrolimex, Viglacera, Cảng hàng không ACV,...
Sự sôi động của thị trường và giá nhiều cổ phiếu OTC tăng nhanh khiến xu hướng săn hàng, kiếm tiền trước IPO không còn mạnh mẽ. Nhưng sức cầu đối với cổ phiếu của các DN khủng vẫn rất lớn và tiềm ẩn tăng đột biến từ khối ngoại.
Sức nóng của IPO Tổng công ty Thanh Lễ - một trong đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất nước - với lượng đặt mua gấp 5 lần lượng chào bán, giá tăng 40% so với khởi điểm lên 14 ngàn đồng, cho thấy điều này. Tại Idico, có đến 40 tổ chức nước ngoài tranh mua cổ phần của DN top 4 bất động sản công nghiệp tại Việt Nam. Khối lượng đăng ký đặt mua cũng gấp 5 lần chào bán.
Các NĐT nước ngoài đã bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để gom 75% cổ phần được chào bán của Idico với giá cao gấp gần 2 lần so với giá khởi điểm.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới Chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, cho rằng, sức cầu của khối ngoại rất tốt. NĐT sẵn sàng mua hết hàng hóa lên sàn tốt hoặc có triển vọng cho dù quy mô lớn đến đâu.
Theo đánh giá của ông Tuấn, hầu hết các DN khủng sắp IPO đều là DN trọng yếu của nền kinh tế và được các NĐT nước ngoài rất quan tâm như BSR, PVOIL, VRG, PVPower, Becamex, Genco 3, Vinafood 1, 2,...
Ông Tuấn cho rằng, nguồn cung lên tới nhiều tỷ USD nhưng các NĐT có thể sẽ hấp thụ hết miễn là chính sách IPO thích hợp. Theo đó, các NĐT ngoại cần tỷ lệ lớn để có thể thay đổi quản trị, nên nếu bán 20-30% trở nên sẽ rất dễ thành công.
Hiện tại, theo nhiều CTCK, các NĐT từ Hàn và Nhật rất quan tâm tới TTCK Việt Nam và hầu hết họ đều muốn mua số lượng lớn, không mua lắt nhắt.
Ông Tuấn cho biết, nhiều tổ chức hoặc ngân hàng ngoại đang thông qua các ngân hàng để vào Việt Nam. Đó là các đại gia nước ngoài có nhu cầu M&A như JX Nippon Oil & Energy (JX) của Nhật Bản.
Năm 2016, JX đã bỏ ra gần 4 ngàn tỷ để sở hữu 8% vốn Petrolimex nhưng vẫn muốn mua thêm 15-20% PLX với trị khoảng 500 triệu USD nữa.
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ IPO trong quý IV/2017 và hiện có 2 tập đoàn nước ngoài kỳ vọng sở hữu từ 40% cổ phần. World Petro (Mỹ) thậm chí còn muốn sở hữu tới 49%.
Hàng loạt quỹ đầu tư chuyển nghiệp như Dragon Capital, Vinacapital, Pyn Elite Fund (tiền thân là Mutual Fund Elite),... vẫn đang đẩy mạnh đầu tư vào cổ phiếu Việt, “khẩu vị" là nhóm tài chính và bất động sản.
Theo ông Tuấn, hầu hết các cổ phiếu khủng sắp IPO đều là các DN trụ cột của nền kinh tế. Cho dù hoạt động chưa hiệu qua, nhưng nếu cổ phần hóa và có các NĐT chiến lược vào cùng với mô hình quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, giảm sai lầm thất thoát như dầu khí, ngân hàng hay sắp tới là điện lực,... thì tiềm năng sẽ rất lớn, giống như PLX và ACV.
Khi kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thì việc các NĐT bỏ ra vài tỷ USD là điều rất bình thường và đây là tín hiệu tốt cho thị trường. Nhiều thông điệp về cải tổ, về cải cách môi trường kinh doanh, cắt giảm rào cản kinh doanh, cắt giảm chi tiêu, nâng cao minh bạch,... của Chính phủ cũng là những tín hiệu đáng mừng.
Theo M. Hà (VietNamNet)