Tỷ phú giàu nhất khối ngân hàng
Ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch ngân hàng Techcombank, một trong số những ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng khối tài sản một cách nhanh chóng.
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970 được sinh ra tại Hà Nội, nguyên quán ở Thừa Thiên - Huế, từng được Forbes xếp hạng là một trong năm tỷ phú USD người Việt Nam.
Năm 1987, ông Hồ Hùng Anh thi đỗ vào khóa 22 đào tạo Kỹ sư của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau một năm học xuất sắc tại đây, ông được tuyển chọn đi du học ngành Kỹ thuật quân sự tại Liên Xô (cũ).
Ngày 5/3/2019, ông Hùng Anh chính thức được Forbes xếp hạng trong danh sách 5 tỷ phú USD người Việt Nam.
Tại thời điểm ngày 5/5/2020, Forbes ước tính tổng tài sản của tỷ phú Hồ Hùng Anh là 1,1 tỷ USD.
Trước khi lên sàn năm 2018, tổng tài sản của gia đình ông Hồ Hùng Anh tại Techcombank ước tính lên tới 25.401,1 tỷ đồng. Với giá trị tài sản này, ông Hồ Hùng Anh là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán trong giới ngân hàng.
Tuy ngồi ghế chủ tịch của Techcombank nhưng cổ phần của ông Hồ Hùng Anh chỉ ở mức 1,12% với hơn 39,9 triệu cổ phiếu của ngân hàng nay. Song, những người thân trong gia đình ông Hùng lại đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu TCB.
Báo cáo quản trị năm 2019 của Techcombank cho thấy, tính đến ngày 31/12/2019, mẹ ông Hùng Anh, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, và vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy mỗi người nắm hơn 174 triệu cổ phiếu, tương đương 4,975% vốn điều lệ.
Em của ông Hùng Anh là Nguyễn Hương Liên cũng đang sở hữu 1,99% cổ phần. Con trai chủ tịch Techcombank Hồ Anh Minh sở hữu 3,94% cổ phần ngân hàng này. Tổng cộng ông Hùng Anh và người thân nắm trong tay hơn 595 triệu cổ phiếu TCB, tương ứng gần 17% cổ phần Techcombank.
Tại Masan, từ năm 1997, ông Hồ Hùng Anh là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Masan (tên cũ của CTCP Tập đoàn Masan hiện nay), Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông đã giữ vị trí phó chủ tịch của CTCP Tập đoàn Masan cho đến tháng 4/2018 thì xin rút và chỉ tập trung vào Techcombank với vị trí Chủ tịch HĐQT.
Quyết định từ nhiệm của ông Hồ Hùng Anh nhằm đảm bảo tuân thủ quy định một cá nhân không được kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều lãnh đạo nhà băng đã quyết định ở lại ngân hàng như ông Dương Công Minh, ông Đỗ Quang Hiển (SHB), ông Đỗ Minh Phú (TPBank) hay bà Thái Hương của BacABank…
Mối quan hệ đặc biệt với tỷ phú Nguyễn Đăng Quang
Trước khi trở về Việt Nam, ông Hồ Hùng Anh tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại đại học Bách khoa Kiev (Ukraine), từng là cộng sự thân thiết với ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (MSN).
Trong thời gian sống tại Đông Âu, ông Hùng Anh quen biết ông Nguyễn Đăng Quang, mối liên hệ của hai vị tỷ phú được Forbes mô tả là "hai đối tác kinh doanh thân thiết" và "có quan hệ đan xen".
Ông Hồ Hùng Anh cùng tham gia với ông Nguyễn Đăng Quang trong việc điều hành Mansan Rus Trading tại Nga, tiền thân của tập đoàn hàng tiêu dùng Masan. Ông Hồ Hùng Anh từng giữ chức tổng giám đốc Masan Rus Trading từ năm 1997 đến 2004. Trong thời gian này, ông Hùng Anh cũng buôn bán hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu.
"Bộ đôi" tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang được biết đến là một trong những gương mặt thành công nhất của nhóm doanh nhân khởi nghiệp tại Đông Âu. Họ là những người từng thành công với lĩnh vực mì gói, tương ớt tại thị trường Nga.
Trở về Việt Nam, ông Hùng Anh tiếp tục gắn bó với ông Quang trong việc xây dựng "đế chế" Masan trong ngành hàng tiêu dùng, thjc phẩm. Ông Hùng Anh lần lượt giữ chức phó chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan, Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan và CTCP Masan (tên cũ là CTCP Đầu tư Masan).
Ông Hồ Hùng Anh bắt đầu tham gia đầu tư vào Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) từ năm 1995. Đến năm 2004, ông Hùng Anh là thành viên hội đồng quản trị của Techcombank. Từ tháng 5/2008, ông Hùng Anh chính thức đảm nhiệm chức chủ tịch HĐQT của ngân hàng này cho đến nay.
Techcombank làm ăn ra sao?
Sau hơn 10 năm dưới sự lãnh đạo của ông Hùng Anh, Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam cán mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 10.661 tỷ đồng, tăng 86% so với năm 2013 và chỉ kém duy nhất Vietcombank trong toàn hệ thống ngân hàng.
Năm 2018 cũng chứng kiến dấu mốc quan trọng của Techcombank khi ngân hàng của ông Hồ Hùng Anh chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán. Thương vụ IPO này giúp Techcombank huy động được 923 triệu USD, cao thứ hai trong năm chỉ sau sự kiện IPO của Vinhomes với 1,34 tỷ USD thu về.
Trong năm 2019, Techcombank của đại gia Hồ Hùng Anh đã ghi nhận kết quả kinh doanh với thu nhập lãi thuần đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2018. Thu nhập ngoài lãi tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 6,8 nghìn tỷ đồng và chiếm 32,3% tổng doanh thu. Chi phí dự phòng giảm 50,3% nhờ chất lượng tài sản lành mạnh và chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập được kiểm soát tốt ở mức 34,7%, giữ vững theo mục tiêu ban đầu của Ngân hàng. Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản đạt 2,9%, khẳng định thành công của chiến lược rủi ro thấp – lợi nhuận cao của Techcombank.
Tổng tài sản tăng 19,5% so với cuối năm 2018, đạt 383,7 nghìn tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng tín dụng là 18,8%.
Tổng huy động tăng 14,8% lên tới 231,3 nghìn tỷ đồng, trong đó CASA tăng trưởng mạnh mẽ 37,9% so với cuối năm 2018, đạt mức 79,7 nghìn tỷ đồng, đưa tỷ lệ CASA của Ngân hàng lên mức kỷ lục 34,5%.
Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đạt 76,3% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 38,4%.
Tỷ lệ an toàn vốn cuối kỳ theo Basel II đạt 15,5%, cao gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của Trụ cột I Basel II. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm ở mức 1,3%.
Theo BXH của Forbes năm 2020, tổng tài sản của Chủ tịch ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh đã giảm xuống chỉ còn 974,4 triệu USD, do đó không còn là tỷ phú đôla.
Theo Lê Lan (Nguoiduatin.vn)