'Tôi muốn chúng ta thử chế tạo động cơ xe gắn máy' là quyết định mạo hiểm của ông Genichi Kawakami đưa ra ngay trong ngày đầu tiếp quản công ty sản xuất đàn piano Nippon Gakki.
Tầm nhìn sâu rộng
Năm 1950, đúng 5 năm sau thế chiến thứ 2, kinh tế Nhật Bản dần hồi phục và tái thiết trên nền những thành phố đổ nát, những công xưởng cháy rụi. Người Nhật quyết tâm biến thương đau chiến tranh thành động lực để xây dựng kỷ nguyên hòa bình mới; và Genichi Kawakami là một trong số đó.
Genichi Kawakami kế thừa sự nghiệp của cha mình tại Nippon Gakki (nay là Yamaha Corporation), trở thành chủ tịch thứ 4 ở tuổi 38. Thử thách đầu tiên sớm đến với ông khi phải đưa ra quyết định tận dụng toàn bộ những cỗ máy gia công cơ khí cũ cho một trong hai dây chuyền sản xuất mới: sản xuất máy khâu hoặc sản xuất xe máy ba bánh.
Thị trường xe máy Nhật Bản lúc bấy giờ là sân chơi của hàng trăm công ty lớn nhỏ cạnh tranh gay gắt và bản thân ông không có kinh nghiệm trong ngành này. Nhưng bằng tầm nhìn chiến lược sâu rộng, Genichi Kawakami vẫn quyết định chọn xe máy là phương hướng sản xuất mới cho hãng và ông hiểu rằng Yamaha đang bước vào một cuộc đua mà chỉ có sự khác biệt và giá trị riêng mới mang lại thành công.
Chân dung người sáng lập Yamaha Motor - Chủ tịch Genichi Kawakami. |
Để hiện thực hóa quyết định của mình, Genichi Kawakami đã các cử kỹ sư đi châu Âu học hỏi kinh nghiệm. Riêng ông cũng bỏ ra hơn 3 tháng để khảo sát những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu.
Chiếc xe gắn máy YA-1 lấy cảm hứng từ mẫu xe máy thành công của Đức là DKW RT125 chính là thành quả đầu tiên của Yamaha. Với thiết kế đẹp mắt, đậm chất thể thao, sở hữu hai tông màu chủ đạo nâu hạt dẻ và ngà voi mới lạ cùng công nghệ sơn cao cấp học hỏi từ bộ phận sản xuất đàn piano, YA-1 trở nên nổi bật giữa những chiếc xe được thiết kế chắc chắn, nhưng lại rất đơn điệu và tẻ nhạt trên thị trường lúc bấy giờ.
Xe máy YA-1 có thiết kế đẹp mắt, đậm chất thể thao. |
Biến thách thức thành cơ hội
Tuy nhiên, khi mới ra mắt, YA-1 cũng đã vấp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Các đại lý bán xe đều từ chối nhập xe máy của một công ty chuyên sản xuất piano và organ. Người ta còn nói đùa rằng: “Xe Yamaha khi chạy chắc sẽ phát ra tiếng đồ rê mi”. Để xóa tan những định kiến đó cũng như thu hút sự chú ý của công chúng, Genichi Kawakami đã nhanh chóng cho thành lập một đội đua và đưa YA-1 tham gia vào nhiều giải đua xe lớn tại Nhật Bản. Chiếc xe đã chứng minh sức mạnh vượt trội bằng ngôi vị quán quân của cuộc đua lên đỉnh núi Phú Sĩ năm 1955 và 5 vị trí khác trong top 10 ở hạng mục 125cc.
Chiến lược khôn ngoan và ý chí sắt đá của Genichi đã biến chiếc YA-1 vô danh trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản với biệt danh “Chuồn chuồn đỏ” (Akatombo). Trong 3 năm liên tiếp, khoảng 11.000 chiếc YA -1 đã được bán ra thị trường dù giá không hề rẻ.
Chủ tịch Genichi Kawakami và đội ngũ kỹ sư Yamaha cùng chiếc YA-1. |
Luôn tâm niệm “Một sản phẩm không phải là sản phẩm nếu nó không được cả thế giới công nhận”, Genichi Kawakami tiếp tục sử dụng chiến lược định vị và lan tỏa thương hiệu Yamaha Motor tại các thị trường nước ngoài, thông qua những giải đua tầm cỡ quốc tế. Đặc biệt, năm 1958, Yamaha là nhà sản xuất xe máy Nhật Bản đầu tiên tham gia vào đường đua tại Mỹ và phân phối sản phẩm tại thị trường khó tính này ngay sau khi kết thúc cuộc đua.
Tham vọng tiên phong dẫn đầu và mục tiêu tạo ra những nhu cầu mới để mở rộng thị trường của Genichi Kawakami đã giúp Yamaha Motor vươn mình ra nhiều lĩnh vực mới mẻ, đầy tiềm năng như mô tô địa hình, xe trượt tuyết, mô tô nước, tàu thủy, động cơ ôtô..., đặt nền móng cho đế chế Yamaha Motor hùng mạnh như ngày này.
Cuộc đời của vị chủ tịch đầu tiên của Yamaha Motor - Genichi Kawakami như một vòng quay xe máy, không ngừng chuyển động, mạnh mẽ tiến lên phía trước, sẵn sàng chinh phục mọi thử thách. Tinh thần “Nếu đã làm việc gì, hãy làm tốt nhất có thể” của ông đã lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy nhiệt huyết, truyền niềm hứng khởi cho nhiều thế hệ và trở thành kim chỉ nam cho Yamaha Motor trong suốt hơn 60 năm qua.