Chân dung đại gia Sài thành Trần Ngọc Dân - ông chủ Tân Thành Đô chây ì nợ thuế 680 tỷ đồng

21/05/2020 10:36:22

CTCP Tập đoàn Tân Thành Đô do ông Trần Ngọc Dân làm Chủ tịch HĐQT là doanh nghiệp đứng đầu danh sách nợ thuế chây ì, thuộc diện cưỡng chế vừa bị TP.HCM "bêu tên", với số nợ khủng gần 680 tỷ đồng.

ục Hải quan TP.HCM vừa thống kê danh sách doanh nghiệp (DN) nợ thuế chây ì, thuộc diện cưỡng chế và đề nghị công khai danh tính trên hệ thống hải quan cả nước, tính đến hết tháng 4/2020.

Cụ thể, có 7.246 DN nợ thuế bị công khai với tổng số tiền thuế nợ trên 3.270 tỷ đồng. Trong đó, số nợ thuế chủ yếu phát sinh từ nhiều năm trước, thuộc diện nợ thuế khó có thể thu hồi. Đặc biệt, có một số DN nợ thuế số tiền lớn từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, phát sinh sau khi DN bị cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan.

Trong đó, trường hợp nợ lớn nhất là CTCP Tập đoàn Tân Thành Đô nợ thuế với con số gần 680 tỷ đồng.

Với giới đầu tư, Tân Thành Đô có thể xem là tập đoàn gia đình của đại gia Sài thành Trần Ngọc Dân. Hiện nay, doanh nhân kỳ cựu sinh năm 1953 đang dần rút khỏi một số vị trí, trong khi vai trò của hai người con trai Trần Lâm - Trần Long trở nên rõ ràng hơn.

Cụ thể, trực tiếp ông Trần Ngọc Dân đang làm Chủ tịch HĐQT Tân Thành Đô và City Auto (CTF), Thành viên HĐQT CTCP Ô tô Phú Mỹ, CTCP Xe khách Sài Gòn.

Trong khi đó, trưởng nam Trần Lâm đang là Thành viên HĐQT CTF, CTCP Xe khách Sài Gòn và Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Phú Mỹ, CTCP Ô tô Nha Trang.

Bên cạnh đó, người con thứ Trần Long đang làm Chủ tịch HĐQT CTCP Auto Trường Chinh và Thành viên HĐQT CTCP Ô tô Nha Trang.

Chân dung đại gia Sài thành Trần Ngọc Dân - ông chủ Tân Thành Đô chây ì nợ thuế 680 tỷ đồng
Nhà phân phối xe Ford phủ bóng ảnh hưởng của cha con ông Trần Ngọc Dân

Theo tìm hiểu, Tân Thành Đô thành lập ngày 10/6/2005, có trụ sở tại số 232 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM, hiện là tập đoàn đa ngành nghề với 3 lĩnh vực chính: Kinh doanh phân phối các thương hiệu ô tô, đầu tư tài chính, đầu tư và kinh doanh bất động sản. Tính đến tháng 12/2018, vốn điều lệ Tân Thành Đô ở mức 920,2 tỷ đồng.

Ở TP.HCM, Tân Thành Đô được biết tới hơn cả trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối ô tô, thông qua 15 công ty thành viên, trong đó nổi bật một số cái tên như: Công ty City Ford (HOSE: CTF), City Ford – Nha Trang, City Ford – Bà Rịa, Ford Phú Mỹ, Công ty TNHH Ô tô Thế giới (World Auto), hay CTCP Xe khách Sài Gòn (UPCOM: BSG).

Chân dung đại gia Sài thành Trần Ngọc Dân - ông chủ Tân Thành Đô chây ì nợ thuế 680 tỷ đồng - 1
Sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn tại Cửa Lò, Nghệ An do Tân Thành Đô đầu tư

Không chỉ buôn bán ô tô, bất động sản cũng là một mảng quan trọng của Tân Thành Đô. Bên cạnh đại dự án sân golf Cửa Lò (Nghệ An) gây xôn xao khi mở cửa đón khách trong thời gian cách ly xã hội vừa qua, tập đoàn Sài Thành đang sở hữu những dự án đáng chú ý khác như: Khu căn hộ cao tầng tại 124/9D đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, diện tích diện tích 1.839 m2 (Theo Quyết định chấp thuận số 6597/QĐ-UBNd ngày 26/12/2017 của UBND TP.HCM); dự án khu du lịch biển Vogue Resort, quy mô 19,57 ha, nằm trên trục đường chính Nguyễn Tất Thành, cách thành phố Cam Ranh 20 km, cách trung tâm thành phố Nha Trang 20 km.

Ở một thương vụ kín tiếng hơn, Tân Thành Đô vào giữa thập niên trước từng tham gia vào lĩnh vực BOT khi là chủ đầu tư dự án dự án nâng cấp, cải tạo QL1K (địa điểm xây dựng: Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM) cùng liên danh CTCP đầu tư xây dựng 194, CTCP Rạng Đông, Công ty TNHH XDĐT CSHT Phú Thọ và Công ty TNHH BVM Thái Thành Nam. Tổng mức đầu tư dự án là 397,06 tỷ đồng.

Trước đó, vào năm 2016, Tập đoàn Tân Thành Đô đã từng dính sai phạm nghiêm trọng về thuế, sau đó bị nhà sản xuất tước quyền giấy phép nhập khẩu 2 thương hiệu xe sang Land Rover và Jaguar tại Việt Nam

Cụ thể, ngày 27/10/2016, Cục Hải quan TP.HCM đã ra quyết định số 816 ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của CTCP Tập đoàn Tân Thành Đô sau khi phát hiện công ty này khai báo trị giá hải quan thấp.

Cơ quan hải quan đã bác bỏ trị giá khai báo của 372 tờ khai đối với mặt hàng xe ô tô hiệu Land Rover và Jaguar nhập khẩu đăng ký từ ngày 31/5/2011 đến 31/5/2016 tại Cục Hải quan TP.HCM và Cục Hải quan Hải Phòng của công ty này.

Tổng số tiền thuế truy thu ấn định 719,5 tỷ đồng, trong đó có 273 tỷ đồng thuế nhập khẩu; 344 tỷ đồng tiền Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và hơn 100 tỷ đồng tiền Thuế giá trị gia tăng (VAT). Sau khi bị truy thu, công ty này đã nộp một phần tiền bị truy thu, đồng thời làm đơn khiếu nại vì không đồng tình với quyết định trên.

Theo Linh Nhi (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật