Trong số các ái nữ nhà đại gia, Trần Phương Ngọc Thảo, con gái bà Cao Thị Ngọc Dung và ông Trần Phương Bình là một trong những người nổi tiếng nhất.
Bà Cao Thị Ngọc Dung là “nữ tướng” nổi tiếng ngành vàng khi đảm nhiệm ghế Chủ tịch HĐQT CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Trong khi đó, ông Trần Phương Bình từng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á.
Tháng 3 vừa rồi Trần Phương Ngọc Thảo vừa đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu PNJ trong khoảng thời gian từ 25/3 đến 23/4/2020 thông qua phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Với mức giá 52.600 đồng/cp (tính tới đầu giờ sáng 23/3), bà Trần Phương Ngọc Thảo có thể phải bỏ ra trên 100 tỷ đồng để mua số cổ phiếu đã đăng ký.
Trước khi thực hiện giao dịch, bà Ngọc Thảo nắm giữ 4,7 triệu cổ phiếu PNJ, tương đương tỷ lệ sở hữu 2,1%. Nếu thực hiện giao dịch mua thành công như đăng ký, bà Thảo sẽ nắm 3% vốn PNJ, tương đương 6,7 triệu cổ phần.
Không sở hữu vẻ ngoài nổi bật như nhiều kiều nữ khác, song Ngọc Thảo lại gây được sự chú ý lớn của dư luận bởi chính khả năng, trí tuệ và sự tài giỏi của mình. Mặc dù sinh ra và lớn lên trong gia đình bề thế, nhưng Ngọc Thảo vẫn khiến người khác phải nể phục bởi bảng thành tích "khủng" mà ít ái nữ nhà đại gia Việt nào đạt được.
Ít người biết, Trần Phương Ngọc Thảo là sinh viên Việt Nam đầu tiên được kết nạp Đảng tại Mỹ.
Năm 1999, Trần Phương Ngọc Thảo sang New Zealand du học khi vừa tốt nghiệp lớp 9. Không giống bạn bè cùng trang lứa, Ngọc Thảo lập tức đăng ký theo học từ học kỳ 2 của lớp 10, sau đó sang lớp 11 lại đăng lý học dồn lớp 12. Kết quả là Ngọc Thảo chỉ mất 1,5 năm để hoàn thành 3 bậc học THPT thay vì 3 năm như những người khác.
Không chỉ dừng lại ở đó, Ngọc Thảo còn đứng thứ 7 trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia toàn New Zealand và cô được tuyển thẳng vào Đại học Oxford - ngôi trường đại học vô cùng danh giá ở Anh.
Tại đây, Trần Phương Ngọc Thảo tiếp tục tốt nghiệp loại ưu và lọt top 5 sinh viên xuất sắc của trường. Cô cũng là một trong những sinh viên hiếm hoi được các giáo sư tại Đại học Oxford viết thư giới thiệu vào học tại Harvard - trường học danh tiếng nhất tại Mỹ.
Bên cạnh đó, Ngọc Thảo còn được 5 trường chấp nhận tuyển thẳng làm nghiên cứu tiến sĩ. Đó là các trường Harvard, North Westhern (Mỹ), Cambridge, London Economic School và Oxford (Anh). Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đồng ý tài trợ học bổng toàn khóa học cho Ngọc Thảo.
Sau đó, ái nữ nhà ông Trần Phương Bình tiếp tục sang Mỹ để học tiến sĩ tại Đại học Havard. Ở đây, cô không chỉ tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình bằng thành tích học tập mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là tham gia các Hội thanh niên, sinh viên Việt. Ngọc Thảo trở thành niềm tự hào và tấm gương sáng cho các du học sinh Việt.
Không nổi tiếng bằng cô em nhưng chị cả Trần Phương Ngọc Giao lại là người giàu có nhất trong 3 chị em.
Theo tính toán của Bizlive tới hết ngày 2/6, với việc nắm 5.438.146 cổ phiếu PNJ, tổng tài sản của Trần Phương Ngọc Giao lên tới hơn 344 tỷ đồng, đứng thứ 124 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt.
Trước đó, năm 2015, Trần Phương Ngọc Giao cũng đứng thứ 114 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Về phần cô em út Trần Phương Ngọc Hà, tuy không có tên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng với 10,3 triệu cổ phiếu DAF, nếu tính theo mệnh giá, khối tài sản của Ngọc Hà cũng lên tới con số 103 tỷ đồng.
Theo Minh Lan (Nguoiduatin.vn)