Chấn động trời Tây, đại gia Việt đi bay tỷ đô

28/06/2016 07:04:00

Trong vài năm gần đây, năm nào cũng thế, cứ đến khoảng tầm mùa hè, thị trường chứng khoán Việt Nam lại trải qua ít nhất một cú sốc.

Trong vài năm gần đây, năm nào cũng thế, cứ đến khoảng tầm mùa hè, thị trường chứng khoán Việt Nam lại trải qua ít nhất một cú sốc. Hàng tỷ USD bốc hơi trong chốc lát cho dù nguyên nhân không phải từ những diễn biến trong nước mà là từ những biến động trên thị trường quốc tế.

Tất cả những thành quả có được trong nhiều tuần trước đó vuột mất. VN-Index xuống dưới ngưỡng 600 điểm. Cú sốc khiến nhiều NĐT nhớ lại các cú sốc trên TTCK sau những sự kiện “Biển Đông”, giá dầu giảm, Trung Quốc phá giá đồng NDT, chứng khoán Trung Quốc sập sàn…

Brexit, chứng khoán, VN-Index, HNX-Index, cổ phiếu lởm, cổ phiếu giảm giá mạnh, minh bạch thông tin, cổ phiếu niêm yết, sự kiện Biển Đông, giá dầu giảm, cú sốc chứng khoán
Thị trường tài chính thế giới liên tục có những diễn biến bất thường.

Trước đó, trong tháng 8/2015, các đại gia Việt “đánh rơi” hàng tỷ USD. Chỉ riêng trong ngày 24/8/2015, trên Sàn chứng khoán TP.HCM, chỉ có hơn chục mã cổ phiếu, trong tổng số gần 300 mã tăng giá, còn lại phần lớn giảm giàn trước áp lực bán tháo lịch sử của các NĐT. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm gần 30 điểm, HNX-Index cũng giảm ở mức gần tương tự. TTCK chứng kiến một tháng giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử, với chỉ vài phiên có sắc xanh, còn lại giảm điểm đỏ rực sàn.

Tính chung trong 3 tuần đầu tháng 8/2015, VN-Index giảm hơn 110 điểm, tương đương giảm gần 18% so với đỉnh cao hồi giữa tháng 7. Tổng cộng vốn hóa TTCK mất gần 7,6 tỷ USD. Nguyên nhân của đợt giảm giá là do thị trường dồn dập đón tin xấu từ quốc tế. Thị trường tài chính, tiền tệ và chứng khoán thế giới đã rúng động trong gần 2 tuần qua, kể từ khi Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng NDT tổng cộng 4,6% bắt đầu từ ngày 11/8.

Trong tháng 5/2014, TTCK Việt Nam cũng chứng kiến một đợt giảm kéo dài, trong đó một phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử sau sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 đến địa phận lãnh hải Việt Nam.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/5/2014, VN-Index mất 32,88 điểm (-5,87%) xuống 527,09 điểm với đa số các mã từ lớn tới nhỏ giảm giá trong đó phần lớn giảm sàn. Chỉ số VN30-Index đo lường 30 cổ phiếu lớn và có tính thanh khoản tốt nhất trên sàn chứng khoán TP.HCM cũng rớt 5,61%. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index rớt 4,9 điểm (-6,4%) xuống còn 71,66 điểm. HNX30-Index đo lương 30 cổ phiếu lớn và có tính thanh khoản tốt nhất trên sàn này giảm 7,71%.

Cú sốc có thể là cơ hội?

Với quy mô vốn hóa lên tới hơn 50 tỷ USD, cú lao dốc ngày 8/5/2014 đã khiến TTCK tập trung của Việt Nam mất hơn 3 tỷ USD và nếu so với mức đỉnh của năm 2014 (vào ngày 24/3) thì thị trường đã “đánh mất” hơn 6 tỷ USD.

Brexit, chứng khoán, VN-Index, HNX-Index, cổ phiếu lởm, cổ phiếu giảm giá mạnh, minh bạch thông tin, cổ phiếu niêm yết, sự kiện Biển Đông, giá dầu giảm, cú sốc chứng khoán
"Sự bất định" khiến thị trường tài chính các nước liên tục gặp các cú sốc.

Trước đó, theo đánh giá của CNBC, việc giá dầu lao dốc cũng đã gây sức ép lớn lên chứng khoán Việt Nam. Theo đó, việc giá dầu giảm từ 140 USD/thùng xuống 50 USD/thùng khiến nhiều cổ phiếu dầu khí, trong đó có PetroVietnam Gas, công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất tại Việt Nam giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới TTCK.

Những biến động trên TTCK Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý NĐT chứng khoán Việt Nam.

Trong 2 tuần đầu tiên của năm mới 2016, TTCK đã khởi đầu không mấy luôn sẻ. Chỉ số VN-Index lao dốc với đa số cổ phiếu lớn nhỏ giảm giá mạnh. Vốn hóa trên thị trường bốc hơi 5,2 tỷ USD. Sự hoảng loạn của TTCK Trung Quốc và một đồng USD mạnh lên được xem là lý do khiến chứng khoán Việt Nam giảm giá mạnh.

Đánh giá về cú sốc hôm 24/6/2016 vừa qua, một NĐT trên sàn SSI cho rằng, mức độ giảm trong phiên cao nhất ngang bằng với cú sốc sau sự kiện Biển Đông hồi 2014.

TS. Cấn Văn Lực, cho rằng cú sốc lần này cả yếu tố tâm lý lẫn nguyên nhân khách quan. Ông Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch SSI) chia sẻ trên trang cá nhân cho rằng, sự sợ hãi của các NĐT cuối tuần qua là quá mức cần thiết. Các NĐT sợ hãi vì không hiểu rõ Brexit mà đơn thuần sợ vì thấy người khác sợ.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trường Viện nghiên cứu và quản lý Trung ương cho rằng, một đặc trưng kinh doanh cơ bản trên thế giới hiện nay là: tốc độ lưu chuyển (thông tin, tài chính, hàng hóa…) rất nhanh.

“Vì tốc độ dịch chuyển nhanh nên không bền vững, tính rủi ro và những cú sốc diễn ra thường xuyên. Cái từ mà tôi rất thích giờ là “bất định”. Do vậy, quản trị bây giờ phải theo moment, “thời khắc””, ông Thành chia sẻ.

Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu rộng với thế giới, từ WTO từ những năm 2000, và giờ đây là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC),EVFTA, Liên minh Kinh tế Á - Âu, VN - Hàn Quốc (VKFTA), và sắp tới có thể là TPP…

Thực tế đã cho thấy, mỗi biến động trên thế giới có thể ảnh hưởng ngay lập tức tới thị trường tài chính Việt Nam. CTCK VCBS trong một báo cáo mới nhất cho rằng, rủi ro từ sự kiện Brexit vẫn khó lường. Những yếu tố rủi ro vẫn chưa được phản ánh hết, thận trọng vẫn là yếu tố nên được đặt lên hàng đầu. Tất nhiên, ở chiều ngược lại, theo VCBS, cơ hội mua vào ở mức giá hợp lý vẫn tồn tại ở các cổ phiếu có yếu tô cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh sáng, không vay nợ ngoại tệ sau khi rủi ro được hiện thực hóa trên thị trường.
 

Theo M.Hà (VietNamNet)

Nổi bật