Kết thúc phiên giao dịch 13/6 (rạng sáng 14/6 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm thêm 900 điểm, trong khi chỉ số tầm rộng S&P 500 sụt gần 4%.
Như vậy, chứng khoán Mỹ đã rơi trở lại vào vùng giá xuống. Chỉ số S&P 500 đã rớt hơn 21% kể từ tháng 1 cho tới nay. Thông thường, một chỉ số giảm hơn 20% so với mức đỉnh thì được xác định là rơi vào vùng giá xuống (bear market).
Lần gần nhất, chứng khoán Mỹ vào vùng giá xuống là vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite của Mỹ đêm qua thậm chí còn mất tới gần 4,7%, nâng mức giảm tổng cộng từ đỉnh hồi đầu năm lên tới hơn 33%. Giới đầu tư lo ngại triển vọng của ngành này khi lãi suất tăng cao.
Sở dĩ chứng khoán Mỹ trở nên tiêu cực sâu sắc là bởi nước này vừa công bố lạm phát lên mức cao nhất trong 42 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ 1981 và cao gấp hơn 4 lần so với mức chuẩn 2% mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt ra để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển lành mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã thừa nhận rằng nước Mỹ dự kiến sẽ đối mặt với tình trạng lạm phát cao và kéo dài, tiếp tục đặt mức 6,3% cho năm 2023.
Với diễn biến mới, nhiều người đánh cược Fed có thể tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp trong tháng 6 này, thay vì mức 50% như dự báo trước đó.
Khi Fed tăng lãi suất để chống lạm phát, mối lo mới của người Mỹ là nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.
Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng mạnh và vượt mức 3,3%.
Thị trường tài chính thế giới chao đảo. Thị trường tiền số sụt giảm. Đồng Bitcoin bốc hơi 15%.
Lạm phát tại Mỹ cao ban đầu do đại dịch Covid gây ra sự gián đoạn nguồn cung. Sau đó, cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Quốc đóng cửa để kiểm soát dịch đã khiến tình hình trở nên bi đát. Fed đã có những dự báo sai lầm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây cáo buộc chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin là nguyên nhân chính khiến lạm phát Mỹ tăng cao. Cuộc xung đột đã đẩy giá khí đốt và thực phẩm trên thế giới tăng cao.
Nhiều dự báo cho rằng, nước Mỹ khó tránh khỏi một cuộc suy thoái, có thể bắt đầu vào quý III/2022 khi mà lạm phát tăng vọt trong khi tâm lý người tiêu dùng tụt dốc và tiết kiệm của người dân sụt giảm. Trước đó, trong quý I, Mỹ đã ghi nhận tăng trưởng âm 1,4%.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)