Ông Hoàng Việt Cường (thứ hai từ trái qua), phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trao đổi với các doanh nghiệp tại buổi đối thoại về thủ tục hành chính thuế, hải quan 2015 sáng 5-11 - Ảnh: Quang Định |
Bà Vũ Thị Hoài Sơn, giám đốc Công ty TNHH thương mại Tân Nhất Hương, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện chậm hoàn thuế đang ở mức báo động hiện nay.
Bà Sơn nói: “Đang vào cao điểm làm ăn cuối năm nhưng do bị nợ hoàn thuế quá lớn, nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ còn hoạt động cầm chừng, thậm chí không dám nhận các đơn hàng lớn vì không xoay được vốn. Không chỉ DN gặp khó, công nhân cũng thiếu việc làm và ngân sách bị ảnh hưởng, bởi khả năng đóng góp của DN cũng giảm”.
* Bà cho rằng DN sợ “đụng chạm” với cơ quan thuế, nhưng vì sao lại lên tiếng về chuyện bị chậm hoàn thuế?
- Cho đến nay, chúng tôi đang bị nợ tiền hoàn thuế hơn 20 tỉ đồng, dù hồ sơ của chúng tôi đã được ký lệnh hoàn thuế nhiều tháng nay, nếu tính luôn thời gian hàng xuất và làm hồ sơ thì vốn đã bị chôn từ sáu tháng đến một năm.
Đang vào mùa cao điểm làm ăn nhưng chúng tôi vẫn phải bỏ nhiều thời gian chạy lên chạy xuống cơ quan thuế để đòi tiền hoàn thuế rồi lại ra về tay không. Trong khi đó, để duy trì hoạt động, DN hiện phải vay hơn 30 tỉ đồng.
Khi xuất hàng, căn cứ trên số thuế được hoàn, chúng tôi đã giảm giá cho khách hàng để có thể cạnh tranh, bởi đâu chỉ mỗi chúng tôi bán hàng mà có nhiều đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn, với số thuế được hoàn là 10 đồng/sản phẩm, chúng tôi đã giảm cho khách hàng 7 đồng, còn lại 3 đồng là lợi nhuận cùng hàng loạt chi phí hoạt động khác.
Như vậy, DN đã phải bỏ tiền túi ra giảm giá cho khách hàng, rồi thu lại từ tiền hoàn thuế. Khi việc hoàn thuế bị ngâm lâu, DN bị thâm vào vốn, chịu thêm chi phí lãi vay. Lẽ ra vào mùa làm ăn cuối năm, DN tăng xuất nhưng chúng tôi phải thu hẹp. Không riêng chúng tôi mà nhiều DN khác cũng rơi vào tình huống này.
Hậu quả là công nhân bị mất việc, ngân sách bị vạ lây vì nguồn thu sẽ giảm. Chúng tôi không thể không lên tiếng.
* Thời gian hoàn tất hồ sơ hoàn thuế kéo dài nhiều tháng, thủ tục nhiêu khê... Phải chăng có sự tiêu cực hay nhũng nhiễu của các cán bộ thuế?
- Với các DN khác, tôi không biết nên không có ý kiến. Riêng với chúng tôi, một DN với hơn 16 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, luôn được cán bộ thuế và lãnh đạo ngành thuế tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, thủ tục hoàn thuế lại ngày càng nhiêu khê hơn, không chỉ chúng tôi mà nhiều DN khác cũng rơi vào tình trạng này.
Tôi lấy ví dụ, trước đây DN chúng tôi luôn được hoàn thuế trước, kiểm sau và thời gian hoàn thuế rất nhanh, chỉ 15 ngày sau khi nộp hồ sơ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay cơ quan thuế chuyển hết sang kiểm trước hoàn sau. Do hai tháng mới làm hồ sơ hoàn thuế một lần, bắt đầu nộp hồ sơ vào ngày 20 của tháng thứ ba, nên một hồ sơ hoàn thuế phải kéo dài nhiều tháng, chưa kể hồ sơ đã được ký lệnh hoàn thuế cũng bị ách lại. Như vậy, tiền của DN bị ngâm tại cơ quan thuế trong khi DN thiếu vốn hoạt động.
* Cơ quan thuế cũng có lý do để kiểm soát chặt hơn các hồ sơ hoàn thuế, bởi nhiều DN lợi dụng chính sách này để mua bán hóa đơn nhằm trục lợi tiền hoàn thuế, thưa bà?
- Đối với những DN hoạt động lâu năm và không có “vết đen”, cán bộ thuế nhìn qua là biết liền. Còn với một DN chỉ mới thành lập được vài tháng hoặc một năm, đơn hàng khai là xuất sang các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào... mà số tiền hoàn thuế lên đến vài chục tỉ đồng, thậm chí hàng trăm tỉ là có vấn đề ngay. Cơ quan thuế, nếu không có tiêu cực, chắc chắn sẽ phát hiện ra sự bất hợp lý này.
DN chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực này hàng chục năm, hàng xuất đi những nước và lãnh thổ có chính sách kiểm tra rất nghiêm ngặt như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... nên khả năng làm ăn gian dối rất khó.
Hơn nữa, thỉnh thoảng cán bộ hải quan cũng khui hàng kiểm tra đột xuất và cho đến nay chúng tôi chưa từng bị “tuýt còi” lần nào nên không thể lấy lý do ngăn chặn gian lận mà làm khó. Cơ quan thuế không thể “vơ đũa cả nắm”, gây khó cho những DN làm ăn đàng hoàng bởi những “con sâu” khác.
* Cán bộ thuế không tiêu cực, DN không nằm trong “danh sách đen” nhưng thủ tục hoàn thuế lại phức tạp hơn, lệnh hoàn thuế đã ký nhưng tiền vẫn bị ngâm. Theo bà, đâu là lý do chính?
- Có thể ngân sách dành cho hoàn thuế trên địa bàn đang gặp khó khăn. Tôi đã nhiều lần lên xuống cơ quan thuế để kêu và được biết là... không có tiền để hoàn thuế.
Khi trả lời chúng tôi vào cuối tháng qua, một lãnh đạo chi cục thuế nói Bộ Tài chính sắp rót cho TP.HCM 1.700 tỉ đồng để hoàn thuế nhưng những hồ sơ xin hoàn đang treo đã là 1.800 tỉ đồng rồi.
Theo vị này, cơ quan thuế chỉ ưu tiên hoàn thuế cho những công trình trọng điểm quốc gia và những DN 100% sản xuất hàng xuất khẩu. Còn công ty chúng tôi vừa xuất khẩu vừa làm thương mại không được ưu tiên.
Tôi không biết công trình trọng điểm quốc gia là công trình nào, có phải là những dự án mấy ngàn tỉ hay không. Nếu phải, tại sao Bộ Tài chính lại cấp tiền cho những dự án xây hoành tráng như thế trong khi DN không có tiền để hoạt động?
Và tại sao cơ quan thuế lại ưu tiên cho những DN 100% sản xuất hàng xuất khẩu - toàn là những DN 100% vốn nước ngoài, trong khi chúng tôi là DN trong nước lại bị bỏ rơi, đối xử không công bằng?
* Tại buổi đối thoại với các DN vào ngày 5-11, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính - khẳng định không thiếu tiền để hoàn thuế, thưa bà?
- Tôi không biết thực hư như thế nào, nhưng việc chậm hoàn thuế trong thực tế, đặc biệt là những hồ sơ đã ký lệnh hoàn, và những thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng cho thấy câu chuyện thiếu tiền để hoàn thuế cho DN là có.
Chẳng hạn, báo Tuổi Trẻ (ngày 7-11) cũng vừa thông tin là từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ rót cho TP.HCM thêm 2.000 tỉ đồng để hoàn thuế, trong đó có một phần cân đối từ số tiền thừa của các cục thuế khác.
Nếu TP không thiếu tiền, cần gì Bộ Tài chính phải rót thêm. Ngay cả được rót thêm 2.000 tỉ đồng, TP cũng không đủ tiền để hoàn thuế, rồi các hồ sơ sẽ bị ngâm lâu hơn.
Bởi những tháng cuối năm là mùa làm ăn của các DN, hoạt động xuất khẩu tăng, số tiền hoàn thuế cũng nhiều hơn, trong khi số tiền thuế được hoàn đang bị “treo” hiện nay cũng đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
* Nếu thực tế thiếu tiền để hoàn thuế như bà nhận định, liệu các DN có chia sẻ?
- Như tôi đã nói, nếu DN bị ngâm tiền thuế, thiếu vốn hoạt động..., không chỉ bản thân các DN bị ảnh hưởng, công nhân mất việc mà chính ngân sách cũng bị vạ lây. Thiếu vốn, các DN phải thu hẹp quy mô, giảm xuất khẩu, nguồn ngoại tệ thu về giảm, lợi nhuận không có lấy đâu ra mà nộp ngân sách.
Chưa hết, nếu giảm xuất khẩu, các nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng, phải thu hẹp sản xuất. Không chỉ chúng tôi mà nhiều DN khác cũng rơi vào tình trạng này, doanh số xuất khẩu giảm do không dám xuất nhiều.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là vì sao TP.HCM - trung tâm thương mại đầu tư của cả nước - lại thiếu ngân sách để hoàn thuế cho DN? Phải chăng có sự cân đối ngân sách không hợp lý từ trung ương?
Lẽ ra TP.HCM phải được ưu tiên ngân sách để hoàn thuế sớm cho các DN - những bầu sữa của ngân sách - chứ.
Trong khi đó, cũng theo thông tin trên các báo, tôi được biết nhiều địa phương thu ngân sách không được bao nhiêu lại được bố trí vốn để xây tượng đài, trụ sở, các công trình “trọng điểm” hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí hàng chục ngàn tỉ. Đó không chỉ là sự lãng phí mà còn góp phần làm nghèo đất nước.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn (thứ trưởng Bộ Tài chính): Sẽ siết lại việc hoàn thuế Chúng tôi đang kiến nghị sửa lại quy định hoàn thuế theo hướng sao cho đúng với bản chất và phù hợp với thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, những đơn vị kinh doanh bất động sản, kinh doanh khách sạn nhà hàng, tạm nhập tái xuất, kinh doanh hàng hóa mà Nhà nước không khuyến khích như khoáng sản chưa chế biến sâu sẽ không được hoàn thuế nữa. |
Ông Nguyễn Đức Hậu (phó giám đốc Công ty Uniexport): Phải tạm ngừng hoạt động Tháng 5-2015, chúng tôi làm hồ sơ hoàn thuế cho 3 tháng đầu năm với số thuế hoàn 11 tỉ đồng, nhưng đã 6 tháng trôi qua mà chưa thấy tăm hơi. Cơ quan thuế đưa ra rất nhiều lý do, trong đó có việc phải xác minh vấn đề nọ kia. Từ khi nộp hồ sơ đến nay số thuế phát sinh thêm khoảng 13 tỉ nữa. Trước đây, DN rất mong đơn hàng lớn nhưng hiện nay phải từ chối những đơn hàng lớn, bởi càng xuất nhiều tiền thuế VAT càng tăng, mà không hoàn thuế được thì rất căng thẳng. Hiện DN chỉ dám nhận những đơn hàng nhỏ để cầm chừng và duy trì công việc cho nhân viên. Nếu tiếp tục kéo dài, DN không thể tiếp tục cầm cự được nữa, sẽ phải ngưng hoạt động vì DN không còn vốn lưu động. |
Theo Hải Băng - Ánh Hồng (Tuổi Trẻ)