Nguyễn Hải Ninh nói trong kế hoạch kinh doanh của mình ở hiện tại, việc trồng cà phê sẽ không tính đến lợi nhuận mà chỉ muốn truyền cảm hứng để nông dân thay đổi cách sản xuất truyền thống, tạo ra cà phê chất lượng cao đúng nghĩa.
Không phải lúc nào cũng chăm chăm vì lợi nhuận
- Vì sao đang phát triển rất tốt chuỗi quán cà phê, Nguyễn Hải Ninh lại tuyên bố mua đất trồng loại nông sản này, trong khi thị trường được xí phần với nhiều ông lớn mà anh dân tay ngang, không có tí kinh nghiệm gì?
- Tôi trồng không phải mong thu được vài tấn cà phê để bán, mà muốn chứng minh rằng người Việt Nam trồng ra loại cà phê tốt nhất thế giới. Chính xác hơn tôi làm việc này vì đam mê, muốn bán cà phê tử tế và làm được việc gì tử tế.
Quyết tâm trồng cà phê chất lượng cao, tôi muốn truyền thông điệp rằng thực tế không có cà phê đặc sản, chỉ có con người làm cho ly cà phê nên đặc biệt thôi. Và tôi tin chúng tôi sẽ làm nên những ly cà phê đặc biệt.
- Nhưng với kinh nghiệm là con số 0, anh có lo mình thất bại? Và điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cái tên The Coffee House.
- Nghề của chúng tôi là setup mở cửa hàng bán cà phê. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ đi rang cà phê nói chi mua đất trồng, thu hoạch trái rồi rang xay, xuất khẩu.
Bước vào con đường này, với tôi là lựa chọn đi đến cùng ước mơ của mình hơn là một quyết định kinh doanh. Tôi xác định mua Cầu Đất Farm có thể The Coffee House (TCH) sẽ không thành công, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm. Nếu tôi không thành công thì cũng sẽ truyền cảm hứng cho những người làm sau tôi thành công.
Đây là hành trình còn rất nhiều thứ tôi phải học, phải thử. Nhưng tôi có niềm tin chúng tôi trồng thành công cà phê tốt nhất để phục vụ người dùng trong nước, để giới thiệu ra nước ngoài hạt cà phê thực sự “xịn” do người Việt Nam trồng.
Với cá nhân tôi, mang được hạt cà phê chất lượng cao ra thế giới là một ước mơ.
- Nhưng thực tế kinh doanh đâu chỉ bằng ước mơ và niềm tin, điều nhà đầu tư hướng tới vẫn là giá trị mang lại, và chắc chắn một starup còn trẻ như TCH vẫn phải kiếm tiền, anh đâu thể phiêu lưu?
-Thật ra với tôi thì việc kinh doanh ở từng thời kỳ đều là một cuộc phiêu lưu mới. Kinh doanh nói không vì lợi nhuận thật là không đúng. Tôi nhấn mạnh là chúng tôi vẫn quan tâm đến bài toán đó, nhưng không phải cái gì tôi cũng chăm chăm tìm lợi nhuận.
Tôi muốn chia sẻ rõ ràng rằng chuỗi cửa hàng cà phê là nơi chúng tôi kinh doanh. Và lợi nhuận từ chuỗi 80 cửa hàng này là đủ rồi.
Còn việc trồng cà phê là để lan tỏa phong trào làm cà phê chất lượng cao, hoàn toàn không cân đo lợi nhuận ở đây.
-Trong kế hoạch của mình, anh có khá nhiều tham vọng như tạo ra cà phê chất lượng cho hệ thống cửa hàng và cả xuất khẩu. Nhưng anh chỉ có 33 ha thì kế hoạch này có viễn vong không?
- Hiện tại một năm hệ thống quán tôi sử dụng khoảng 300 tấn cà phê. 33 ha đầu tiên này không thấm vào đâu so với lượng tiêu thụ của cửa hàng. Nhưng biết đâu được, năm sau tôi có 300 ha, năm sau nữa tôi có 3.000 ha thì sao. Mỗi chúng tôi có quyết tâm thì không có gì là không làm được.
Diện tích đất hiện có tôi muốn dành xây dựng thành nông trại mẫu, như một trường đào tạo trồng cà phê chất lượng cao vậy. Tôi mong nơi này sẽ là nhà hát của những người đam mê cà phê.
Còn xuất khẩu thì sẽ cẩn trọng hơn. Tôi sẽ thực hiện trong 5 năm tới.
Mình làm tử tế thì sẽ cho ra sản phẩm tử tế
- Anh mất bao lâu để thuyết phục nhà đầu tư của mình đồng ý cho dự án mà anh cho rằng không tính lợi nhuận này?
- Đơn giản lắm. Tôi không mất thời gian thuyết phục lâu đâu, chỉ một ngày thôi. Cách của tôi là chia sẻ chân thành mọi thứ. Tôi không nói dễ hay khó để thuyết phục, nhưng tôi có cơ sở từ những cái chúng tôi cùng làm và đạt được.
Thực tế, HĐQT của chúng tôi có cách làm việc với nhau dựa trên niềm tin. Niềm tin thật, giản dị. Thứ hai là giá trị.
Các anh chị khác trong HĐQT cũng có ước mơ như tôi, là làm được những điều giá trị cho Việt Nam. Và tôi nghĩ đó là điều lớn nhất mọi người cùng làm với nhau.
- Đó là lý tưởng thôi. Nhà đầu tư vẫn cần anh giải bài toán lợi nhuận?
- Tôi nghĩ là cả hai, vừa có lý tưởng vừa có lợi nhuận, và tôi tìm ra công thức để đạt được cả 2 yêu cầu.
- Dễ dàng như vậy có nghĩa là khả năng sinh lời với phân khúc này vẫn tốt chứ không như anh nói, chỉ làm cho đam mê?
- Cây cà phê chúng tôi trồng sớm nhất cũng 3 năm mới cho sản phẩm, nên khó nói trước được thị trường ra sao. Một thực tế qua thời gian mở chuỗi cửa hàng, chúng tôi nhận ra nguyên nhân cố hữu làm giảm chất lượng sản phẩm là nông dân có thói quen bón phân không đúng chu trình, thu hoạch khi quả chưa chín.
Chất lượng thấp dĩ nhiên giá thành bán không cao được. Vì thế không ai tin vào nghề, không muốn phát triển cà phê tâm huyết mà chỉ trồng, bán để thu lời trước mắt, tạo thành vòng lặp không lối thoát.
Tôi muốn nông dân có thu nhập tốt, sống thoải mái để tin tưởng vào công việc mình đang làm, mới tạo ra cà phê đạt chất lượng. Đây cũng chính là điều mà HĐQT, các nhà đầu tư của chúng tôi hướng đến.
Tất nhiên, việc thuyết phục nông dân làm theo mong muốn của mình không hề dễ, vì nhiều người thời gian trồng cà phê của họ còn dài hơn tuổi đời của chúng tôi, nhưng bây giờ họ đồng lòng rồi. Đó tôi coi như mình đã truyền cảm hứng thành công, thuyết phục được nhà đầu tư rồi.
- Định nghĩa cà phê chất lượng cao của anh dựa vào tiêu chí nào?
- Tôi chưa có tiêu chí nào cả, người tiêu dùng sẽ tự đánh giá, tự cảm nhận.
Như tôi đã nói, chúng tôi trồng cà phê theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt,sẽ cho ra sản phẩm đảm bảo. Nhưng mình trồng tốt, thu hái đúng mà ở khâu rang xay, pha chế nếu không ổn thì cũng khiến chất lượng không như mong muốn.
Chúng tôi quan tâm đầu tư vào con người. Mình làm vì sự tử tế thì sẽ cho ra sản phẩm tử tế. Chúng tôi đặt niềm tin làm cà phê chất lượng cao và chúng tôi sẽ không phản bội niềm tin của mình.
Việc của tôi là thuyết phục người dùng bằng sản phẩm thật
- Anh vừa khai trương cửa hàng TCH Signature đầu tiên với giá cà phê khiến nhiều người thắc mắc: gần 100.000 đồng/ly? Có điều gì đặc biệt khiến ly cà phê ở đây đắt gần gấp 3 lần so với TCH thông thường?
- Đây là cửa hàng thuộc dự án “từ nông trại đến ly cà phê” chúng tôi đã chuẩn bị từ 3 năm nay mới có sản phẩm.
Menu thức uống ở cửa hàng này phần lớn là cà phê. Mức giá 70.000-90.000 đồng/ly cà phê, người thật sự muốn thư giãn với thức uống này thì không thể gọi là đắt.
Thử nghĩ xem mở mắt ra thì tôi đã đối diện với riêng tiền thuê mặt bằng mấy mươi triệu cho cửa hàng này. Bán giá ly cà phê như thế thì không phải nghĩ đến lợi nhuận đâu.
Như đã nói, tôi không tính lời lỗ với cửa hàng này. Ở đây là tôi chỉ để giới thiệu cà phê chất lượng cao, cho những người muốn relax với cà phê thôi. Tôi muốn chia sẻ với những người có cùng đam mê thật sự.
- Những người đi trước với kinh nghiệm và tiềm lực tài chính mạnh cũng đã mang tâm huyết trồng và bán cà phê sạch, nhưng không dễ. Anh làm cách nào, có gì khác biệt để tự tin mình thành công?
-Tôi nghĩ tôi khác chứ. Tôi là người đầu tiên làm kiểu từ trang trại đến ly cà phê. Tôi cũng đặt ra mục tiêu chi tiết, là mình muốn ghi tên Việt Nam vào bảng đồ cà phê chất lượng cao.
Tôi không quan tâm lắm chuyện mọi người thấy khả năng này, dự định khác có thành công hay không. Việc của tôi là thuyết phục, giới thiệu đến mọi người bằng sản phẩm thật chất lượng.
Tôi cũng không khảo sát thị trường gì hết, chỉ thấy là Việt Nam có tiềm năng và làm. Và đã làm nghiêm túc thì tôi sẽ thành công.
- Quán cà phê anh gọi là chất lượng cao đầu tiên của mình được mở trên mặt bằng mà trước đây vài tháng vốn là quán cà phê khá đông khách của một thương hiệu có tiếng, được yêu thích, điều này là ngẫu nhiên hay cố tình?
-Tôi không nghĩ chúng tôi thuê mặt bằng của quán cà phê đang kinh doanh tốt là có gì mờ ám đâu, đừng nặng nề như vậy, đó chỉ là ngẫu nhiên thôi. Tôi không hề trả giá cao hơn hay điều kiện gì to tát để có được mặt bằng này.
Mọi người nên công bằng để nghĩ xem ở giữa Sài Gòn, người có được mặt bằng với diện tích sử dụng hơn 1.000 m2 thì có phải họ còn đặt nặng vấn đề tiền bạc thu về hàng tháng bao nhiêu không?
Tôi sẽ chứng minh lý thuyết phát triển hình sin sai hoàn toàn
- Với doanh nghiệp kinh doanh chuỗi, tốc độ mở cửa hàng mới liên tục như vậy thì áp lực để có được những mặt bằng phù hợp với anh khó như thế nào. Đó có phải là vấn đề nan giải mà nhiều nhà bán lẻ khác đang đối mặt?
- Áp lực thuê mặt bằng với nhà bán lẻ, tất nhiên là rất khó. Nhưng người ta làm được tôi cũng sẽ làm được và làm tốt hơn. Nghề bán lẻ là nghề săn mặt bằng mà. Khó người thì khó ta thôi.
Tôi quan niệm cái gì dễ thì chắc không đến lượt mình, nên luôn đặt mục tiêu chinh phục từ cái khó. Mình thấy khó thì nó sẽ khó còn mình thấy dễ thì sẽ dễ thôi.
- Anh đánh giá khả năng tăng trưởng của thị trường cà phê hiện nay ở mức nào?
- Tôi không đánh giá thị trường nhưng mức tăng trưởng của TCH khoảng 30% mỗi năm. Thực ra nhiều người mở quán cà phê, đầu tư tốn kém, mặt bằng đẹp nhưng rồi cũng đóng. Bản thân tôi cũng đóng một số cửa hàng chứ không phải cửa hàng nào cứ mở là thuận lợi, không phải mình chạm tay vào chỗ nào cũng thành vàng đâu.
- Vậy anh đã phải đóng bao nhiêu cửa hàng rồi?
- Chính xác là 3. Đóng vì kinh doanh không sinh lời.
- Còn kế hoạch phát triển chuỗi cà phê TCH của anh trong năm ra sao?
-Vẫn là tăng gấp đôi số cửa hàng cà phê hiện có, lên 160 cửa hàng. Năm nay chúng tôi cũng sẽ ghi dấu sự hiện diện của The Coffee House tại Trung Quốc.
Ngoài ra sẽ đạt 40 cửa hàng trà sữa. Chúng tôi xác định trà sữa là lĩnh vực vừa làm vừa học, và năm nay tiếp tục học và sai lầm với trà sữa, nhưng sai lầm để phát triển mạnh hơn.
- Định vị TCH trên thị trường hiện nay như thế nào?
- Cà phê cho số đông mọi người. Chúng tôi vẫn trung thành với hướng đó, nên mức giá cũng cho số đông, 29.000 đồng một ly cà phê sữa. Giá này tôi nghĩ mọi người có thể uống mỗi ngày.
- Còn so với đối thủ?
- Tôi nói thật, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện mình đứng ở đâu so với người khác. Tôi ít quan tâm đến đối thủ và cũng không nghĩ xung quanh mình có đối thủ. Thị trường vẫn rộng lớn, tôi chỉ tập trung làm tốt việc của mình thôi. Nếu có thì mình cũng không thể kiểm soát được đối thủ đâu, nên cũng không nên quan tâm đến họ.
Vấn đề tôi quan tâm là làm sao phục vụ khách hàng của tôi tốt nhất, làm điều gì để nhân viên hạnh phúc. Điều đó quan trọng hơn nhiều.
- Điểm yếu của TCH là gì?
- Chúng tôi còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nên còn phải học hỏi từng bước. Chúng tôi cũng chắc chắn mình còn sai lầm rất nhiều và sẽ phải trả giá rất nhiều cho những sai lầm nếu trải qua. Nhưng đó là tương lai, ai dám nói mình không sai. Hiện tại thì chúng tôi vẫn làm, và chưa nói trước được chuyện tương lai đâu.
-Tham vọng của Ninh là TCH sẽ đạt bao nhiêu cửa hàng. Anh có định phát triển đến con số nào sẽ dừng lại không?
-Thống kê của chúng tôi thì cả nước đang có khoảng 20.000 quán cà phê lớn nhỏ. Dư địa phát triển vẫn rất lớn và tham vọng của tôi là mở 2.000 quán TCH trong 5-10 năm tới. Chúng tôi vẫn trong giai đoạn bùng nổ, và tôi không có ý định dừng lại.
Người ta nói sự phát triển của doanh nghiệp theo hình sin, có lên ắt có xuống. Nhưng tôi sẽ chứng minh lý thuyết đó sai hoàn toàn. Chúng tôi không bao giờ đi xuống, chỉ có đi lên thôi.
- Cảm ơn và chúc anh thành công với những dự án của mình!
Nguyễn Hải Ninh sinh năm 1987, tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM năm 2010.
Trước khi trở thành CEO của The Coffee House, Ninh làm việc tại PepsiCo Việt Nam.
Anh cũng là người sáng lập chuỗi cà phê Urban Station.
Hải Ninh là người Việt dưới 30 tuổi nhận được đề cử "30 Under 30 Asia 2017", ở lĩnh vực "The Arts".
Năm 2016, Ninh lọt Top 30 gương mặt trẻ dưới 30 nổi bật nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn.
Theo Hà Linh ( Ảnh: Hải An, minh họa: Nhân Lê) (Tri Thức Trực Tuyến)