Tự sản xuất ôtô từ năm 1958 với xe Chiến Thắng, nhưng con đường gập ghềnh ngành ôtô trải qua nhiều thăng trầm và chiến bại. Những người đi sau liệu có dẫm vào vết xe đổ, như Vinaxuki?
Ông Bùi Ngọc Huyên bên mẫu xe định tung ra thị trường nhưng chưa thành công - Ảnh: A. Đức |
Nỗi buồn Vinaxuki
Những ngày này, ông Bùi Ngọc Huyên - người sáng lập ra Công ty ôtô Xuân Kiên - đang sống tại nhà máy bị đóng cửa của mình ở Mê Linh, Hà Nội. Dù đã qua tuổi 70 nhưng khuôn mặt của vị kỹ sư già cả đời tâm huyết với ngành ôtô vẫn đầy khắc khoải, nuối tiếc.
Ông Huyên vốn là một kỹ sư, quyết tâm làm ôtô "Made in Vietnam" chỉ với giá dưới 300 triệu đồng. Công ty ôtô Xuân Kiên đã xây dựng nhà máy lắp ráp ôtô tại Mê Linh (Hà Nội) và Thanh Hóa.
Thời hoàng kim chưa xa, những năm 2009-2011, xe tải mang hiệu Vinaxuki chạy đầy đường. Ông Huyên kể có những lúc đại lý về ở trọ trong làng để thấy xe xuất xưởng là lấy ngay, mỗi ngày công ty của ông sản xuất 50-60 xe.
Thành công, Vinaxuki chuyển sang nghiên cứu sản xuất ôtô con, đầu tư 250 tỉ đồng. Ông Huyên thuê cả chuyên gia Nhật thiết kế, đào tạo nhân công... và tuyên bố sẽ sản xuất xe 4 chỗ giá chỉ tầm 100 triệu cho người Việt.
Tuy nhiên, đến năm 2012 kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng tăng, có đợt lên đến gần 20%/năm.
Các ngân hàng không hỗ trợ Vinaxuki lãi suất hợp lý nữa, dòng tiền không thuận lợi, ông Huyên phải bán cả nhà mình và của con để trả nợ. Hai nhà máy Vinaxuki tại Mê Linh, Thanh Hóa ngừng sản xuất. Nhà máy sản xuất ôtô phải trồng rau...
Ông Huyên kể sau khi gửi đơn kiến nghị dài gần 20 trang lên Chính phủ vào cuối năm ngoái để xin gia hạn nợ, tái cơ cấu hoạt động, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - đầu tư kiểm tra, tháo gỡ.
Khát vọng một ngày nào đó ngành ôtô Việt Nam phát triển, với ông Huyên, dường như vẫn không tắt. Ông nói: "Tôi sẽ tiếp tục viết đơn gửi Thủ tướng, gửi Chính phủ" và cho biết chỉ cần được tái cơ cấu, công ty mua bán nợ xử lý nợ của Vinaxuki thì xưởng sản xuất có thể phục hồi...
Cơ hội vượt qua nỗi đau cũ
Có nhiều lý do khiến Vinaxuki đóng cửa nhà máy. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách thiếu nhất quán đã ảnh hưởng nhất định tới sự thành công của doanh nghiệp ôtô VN. Công nghiệp ôtô Việt Nam tiềm năng lớn, người có tâm huyết nhiều, cần thay đổi để ngành này phát triển thành công.
Đánh giá việc Vingroup vừa khởi công tổ hợp với mục tiêu làm ôtô thương hiệu Việt, ông Bùi Ngọc Huyên đánh giá tổ hợp Vinfast có thế mạnh là nguồn lực tài chính ổn định.
Đặc biệt, nhà đầu tư này vay của ngân hàng Thụy Sĩ 800 triệu USD, với lãi suất phù hợp. Việc có tiền cũng giúp Vinfast mua được công nghệ, mời được những chuyên gia hàng đầu thế giới và sẽ làm được ôtô.
"Kinh nghiệm của nước ngoài mất khoảng 5 năm sẽ tiếp thu được công nghệ. Còn với kinh nghiệm của tôi trước đây khi Nhật Bản chuyển giao công nghệ thì chỉ khoảng 2 năm các kỹ sư Việt Nam đã nắm được rồi. Nhưng để công nghệ mang lại hiệu quả có thể phải mất 4 - 5 năm. Với nguồn lực tài chính vững mạnh, Vinfast hoàn toàn có thể làm được ôtô" - ông Huyên nói.
Ông Vũ Tấn Công, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, cũng cho rằng thách thức lớn nhất đặt ra với Vingroup là làm sao để người dân VN chấp nhận dùng ôtô thương hiệu VN. "Nghe cái tên ôtô Việt sẽ khó cảm thấy hấp dẫn".
Từng có kinh nghiệm nhiều năm làm với nước ngoài, ông Công dẫn chứng những công ty ôtô hàng đầu của Trung Quốc khi làm thương hiệu cũng phải mất cả chục năm mới thay đổi được suy nghĩ của người tiêu dùng.
Theo ông Công, chiến lược lựa chọn của Vinfast là "tự đi trên đôi chân của mình". Đây chính là thách thức lớn, là rào cản cho Vinfast khi phải mất nhiều thời gian, công sức hơn để chinh phục được người tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, với thực tế kinh doanh thành công ở nhiều lĩnh vực khác nhau và đã từng bước thay đổi được suy nghĩ của người tiêu dùng về doanh nghiệp Việt, Vingroup có cơ sở để lạc quan vượt qua...
Chính sách thôi "nhảy múa"
Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) - nhìn nhận nút thắt lớn nhất cho ngành công nghiệp ôtô VN chính là quy mô thị trường nhỏ, mà nguyên nhân chính là do chính sách thiếu ổn định. Điển hình, dòng Innova của Toyota có thời kỳ đạt tỉ lệ nội địa hóa lên tới trên 30%, sản lượng tiêu thụ xe tăng mạnh, nhưng cuối cùng với một loạt chính sách thuế, phí được đưa ra, lượng tiêu thụ xe giảm mạnh.
Bà Thúy cho rằng để phát triển được ngành công nghiệp ôtô, quan trọng nhất là sự ổn định của chính sách để tạo dung lượng thị trường. Gắn với đó, cần phải có doanh nghiệp đầu đàn thu hút doanh nghiệp vệ tinh xung quanh, thu hút các cơ quan nghiên cứu, thúc đẩy đầu tư hạ tầng để phát triển cụm công nghiệp. Khi dung lượng thị trường đủ lớn thì tất yếu sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, giúp giảm giá thành và các nhà đầu tư sẽ mở rộng sản xuất.
Còn hiện nay, thị trường ôtô VN dù cần đến 30.000 linh kiện các loại nhưng khả năng cung ứng rất hạn chế, phần lớn các hãng đều phải nhập khẩu, khiến chi phí giá thành sản xuất ôtô ở VN luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 10 - 20%...
Bộ Công thương đã kiến nghị một loạt chính sách: giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện sản xuất trong nước, áp thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi, chính sách tín dụng ưu đãi...
Tuy nhiên, có thực hiện không, áp dụng được bao lâu sẽ còn phụ thuộc vào sự đồng thuận của các bộ như Bộ Tài chính, Giao thông - Vận tải...
Theo Tuổi Trẻ