Việc mua ngân hàng với giá 0 đồng có thể nói đã mang lại “lãi” lớn về sự ổn định lòng dân, ổn định chính trị và ổn định kinh tế.
Nhìn lại “mảng tối”
Nhìn lại 4 năm trở về trước, hệ thống ngân hàng Việt Nam được nhiều chuyên gia ví von như một cỗ máy hoạt động quá công suất trong một thời gian dài và đến lúc cần bắt tay vào cuộc “đại tu”. Mảng tối đầu tiên phải kể đến là tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng.
Thông qua sở hữu chéo, cổ đông của ngân hàng A có thể vay tiền ngân hàng B thông qua một công ty đầu tư tài chính của mình để góp vốn vào ngân hàng A và ngược lại hoặc là ngân hàng A đầu tư vào ngân hàng B, ngân hàng B đầu tư vào ngân hàng C và ngân hàng C lại quay lại đầu tư vào ngân hàng A. Chính điều này đã tạo ra luồng vốn tưởng là góp thật vào hệ thống nhưng thực chất lại là vốn vay lẫn nhau giữa các ngân hàng.
Trong 4 năm qua, hàng loạt các ngân hàng TMCP đã nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, quy mô của dòng vốn mới thực sự được bổ sung vào hệ thống ngân hàng vẫn chưa được làm rõ. Với quy mô vốn điều lệ tăng, các ngân hàng được phép huy động thêm tiền gửi trong dân cư và hàng nghìn tỷ đồng vốn huy động mới này lại có thể được dùng để tài trợ cho những dự án sân sau của chính các cổ đông lớn của ngân hàng.
Ngoài ra, sở hữu chéo làm sai lệch việc đánh giá rủi ro của hệ thống ngân hàng vì rất nhiều chỉ số dựa trên số vốn tự có như hệ số an toàn (CAR), hay tỷ lệ vốn tự có/tổng tài sản, trong khi đó vốn tự có của các ngân hàng thực chất là bao gồm cả nguồn vốn ảo do sở hữu chéo. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì những rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng tài chính khi bùng phát thì có sức lan tỏa rất rộng và gây hậu quả nghiêm trọng đối với toàn bộ nền kinh tế. Thêm nữa, nhiều ngân hàng yếu kém đã đẩy lãi suất huy động lên cao, gây ra những bất ổn cho hệ thống ngân hàng.
Đến nay NHNN đã xử lý được 11 ngân hàng TMCP yếu kém thông qua hợp nhất, sáp nhập, mua lại. (Ảnh: KT) |
Đứng trước thực trạng trên, ngành ngân hàng đã quyết tâm đổi mới, tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống ngân hàng với quyết định táo bạo: Mua lại 3 ngân hàng thương mại Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và GP Bank với giá 0 đồng. Vào thời điểm đó có không ít ý kiến trái chiều xung quanh việc Ngân hàng Nhà nước mua lại ngân hàng với giá 0 đồng. Không ít câu hỏi được đặt ra: Tương lai của những ngân hàng này sẽ ra sao khi Nhà nước tiếp quản và tái cấu trúc? Động thái “cứu trợ” này về lâu dài có thể là một liều thuốc tốt hay không?
Tuy nhiên, đến thời điểm này không thể phủ nhận việc tiếp quản ngân hàng 0 đồng đã giúp kết thúc nhanh quá trình xử lý ngân hàng yếu kém, chấn chỉnh kỷ luật thị trường, đáp ứng lòng tin của người gửi tiền, không gây xáo trộn và bảo đảm an toàn hệ thống. Nhiều người dân hẳn chưa quên, 4 năm trước khi sáp nhập Ngân hàng cổ phần Sài Gòn, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa, hàng trăm, hàng nghìn người dân phải xếp hàng để chờ rút tiền. Còn đến thời điểm 2015, dù liên tục công bố mua ngân hàng giá 0 đồng để tái cơ cấu ngân hàng thì thị trường tài chính lại rất bình lặng.
Thành công lớn của ngành ngân hàng trong năm qua đã góp phần quan trọng kiểm soát được lạm phát, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đến nay, NHNN đã xử lý được 11 ngân hàng TMCP yếu kém thông qua hợp nhất, sáp nhập, mua lại. Cùng với đó, ngành ngân hàng đã quyết liệt trong việc xử lý sở hữu chéo, các biểu hiện lũng đoạn thị trường. Các ngân hàng sau khi được xử lý đều hoạt động theo đúng lộ trình tái cơ cấu, thanh khoản ổn định, tiền gửi được củng cố và tăng, nợ xấu giảm.
Mặc dù chặng đường phía trước còn nhiều chông gai nhưng có thể nói, việc thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, ngành ngân hàng Việt Nam trong năm 2015 dường như đã giúp hệ thống ngân hàng vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và đang có hướng đi đúng. Triển vọng năm 2016, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phát triển bền vững.
Theo Ánh Phương (VOV.vn)