Mặc dù là một cộng đồng tự trị, tọa lạc ở khu vực đông bắc Tây Ban Nha, nhưng nền kinh tế của Catalonia lại lớn mạnh không thua kém gì một số nước nhỏ trong Liên minh châu Âu (EU).
Người dân Catalonia biểu tình đòi ly khai tại Barcelona |
Tây Ban Nha đang ở trong tình trạng khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua khi Catalonia, vùng tự trị giàu có nhất của đất nước, đang nỗ lực để tách ra khỏi đất nước.
Theo CNBC, Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy, đã giận dữ gọi cuộc trưng cầu dân ý để giành quyền ly khai vào hôm 1.10 của Catalonia là “hành động bất hợp pháp không thể chấp nhận được”, đồng thời kháng cáo lên Tòa án Hiến pháp. Vụ việc này không chỉ là câu chuyện riêng của Tây Ban Nha, mà có thể còn là vấn đề của cả EU vì nhiều khả năng nó sẽ thổi bùng lên phong trào đòi ly khai ở một số quốc gia thành viên khác trong khối.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại Catalonia cũng có rất nhiều lý do để cảm thấy không thoải mái khi cứ mãi ở trong “vòng tay” của Tây Ban Nha, trong đó nền kinh tế giàu có của xứ này là một trong những yếu tố chính yếu giúp họ tự tin để giành một chỗ đứng độc lập.
Catalonia đóng góp 19% GDP trong tổng GDP của Tây Ban Nha trong năm 2016ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FINANCIAL TIMES |
Với dân số khoảng 7,5 triệu người, bao gồm bốn tỉnh là Barcelona, Girona, Lleida và Tarragona, vùng Catalonia là một trong những lực lượng kinh tế năng động nhất của Tây Ban Nha, tạo ra một phần năm nền kinh tế nước này. GDP của Catalonia đạt khoảng 215 tỉ euro, chiếm phần lớn nhất so với các vùng khác của Tây Ban Nha và gần như tương đương với GDP của một số nước nhỏ trong EU.
Theo Financial Times, bên cạnh việc độc lập với ngôn ngữ và di sản văn hóa riêng mặc dù vẫn là một phần của Tây Ban Nha trong nhiều thế kỷ, Catalonia còn có quy mô kinh tế - xã hội riêng với ngành nghề đa dạng hơn, đầu tư nước ngoài cao hơn, hệ thống giáo dục tốt hơn, tỷ lệ bất bình đẳng thấp hơn và thị trường việc làm cao cấp hơn so với phần còn lại của xứ sở bò tót.
Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho thấy dù Catalonia chỉ chiếm 16% dân số nhưng khu vực này lại đóng góp tới 20% GDP của Tây Ban Nha vào năm 2013, góp phần vào khoảng 25% tổng xuất khẩu và 23% trong tổng số ngành công nghiệp của quốc gia châu Âu. Năm 2016, Catalonia tạo ra khoảng 212 tỉ euro GDP, lớn hơn so với hầu hết các nước trong khu vực đồng tiền chung euro và tương đương với nền kinh tế của Phần Lan và Bồ Đào Nha. Riêng GDP mà Catalonia góp vào nền kinh tế đất nước vào năm ngoái cũng đạt khoảng 19%.
GDP bình quân đầu người của Catalonia tương đương với mức trung bình của EU và cao hơn Tây Ban Nha nói chung. Người dân khu vực này cũng tự cảm thấy mình giàu có. Họ thường phàn nàn và tỏ thái độ bất bình vì họ phải đóng góp cho chính quyền Madrid nhiều hơn là được nhận lại. Vào năm 2014, khoản chênh lệch này đã lên tới 11,8 tỉ USD. Chỉ số Gini, thước đo về tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập, cho thấy bất bình đẳng của Catalonia là 31%, trong khi đó của Tây Ban Nha là 35%.
Catalonia là một khu vực có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ năm 2003, đã có hơn 1.000 công ty nước ngoài đầu tư vào các dự án tại đây, phần lớn trong số này là các công ty từ Tây Âu. Catalonia đã nhận được hơn 43 tỉ USD tiền vốn, lớn nhất so với các vùng khác của Tây Ban Nha và chiếm hơn một phần tư tổng số vốn của cả nước. Trong đó, ô tô, vận tải, hóa chất và dược phẩm là những lĩnh vực nhận được sự đầu tư mạnh mẽ nhất của các công ty nước ngoài. Chỉ riêng bốn ngành công nghiệp này đã tạo ra gần 26.000 việc làm trong khu vực.
Môi trường kinh doanh thân thiện và cơ sở giáo dục tốt là những điểm cộng khiến Catalonia trở nên thu hút hơn trong mắt các nhà đầu tư. Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, việc xin giấy phép xây dựng ở Catalonia chỉ mất khoảng 153 ngày, trong khi đó vùng lân cận Aragón mất 250 ngày và Galicia ở phía tây đất nước mất đến 300 ngày. Để bắt đầu một doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây cũng chỉ mất khoảng 118 ngày, ngắn hơn so với 190 ngày ở các tỉnh như Cantabria và Extremadura.
Không những thế, khu vực này còn cho thấy khả năng hồi phục nhanh hơn so với trung bình cả nước từ cuộc khủng hoảng kinh tế. GDP, sản xuất công nghiệp và xây dựng của Catalonia đều lao dốc trong giai đoạn 2008 - 2009. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của vùng tự trị đông bắc Tây Ban Nha đã vượt qua cả nước từ năm 2012 đến cuối năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm đáng kể, đặc biệt là ở những người trẻ.
Chưa kể Catalonia có ngành du lịch phát triển mạnh với điểm nhấn là thành phố Barcelona, một trung tâm kinh tế, nghệ thuật, văn hóa và du lịch sôi động. Barcelona cũng là nơi sở hữu một trong những đội bóng lớn nhất thế giới, FB Barcelona. Ông Pep Guardiola, ngôi sao bóng đá lớn của Tây Ban Nha và hiện là huấn luyện viên trưởng câu lạc bộ bóng đá Manchester City, đã lên tiếng ủng hộ sự độc lập của Catalonia.
Song, khu vực giàu có này cũng có một số điểm yếu. Nợ chính phủ của Catalonia đã tăng gấp ba lần từ năm 2009, lên hơn 35%, cao hơn so với mức trung bình toàn quốc là 24,8%. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Sự bất ổn về chính trị cùng với hệ thống tài chính phức tạp của khu vực cũng làm tăng chi phí vay vốn cao.
Hiện chưa rõ kết quả cuối cùng của cuộc ly khai này sẽ như thế nào, nhưng thật khó để phân định chính xác ai sẽ là người thật sự giành chiến thắng và bên nào sẽ chịu mất mát nhiều hơn. Không thể phủ nhận Catalonia có một nền kinh tế hùng mạnh, nhưng nhiều hàng hóa của khu vực lại đến từ Tây Ban Nha. Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng dựa vào các sản phẩm công nghiệp và cơ sở xuất khẩu của khu tự trị vùng đông bắc.
Theo Phương Anh (Thanh Niên Online)