Hoạt động khai thác cát siết chặt khiến nguồn cung khan hiếm. Theo nhiều chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP.HCM, từ nửa tháng nay, giá cát xây dựng tăng chóng mặt.
Anh Đạt, đại diện Công ty TNHH VLXD Nhật Gia Huy, cho biết trung bình mỗi ngày công ty xuất 6.000-7.000 m3 cát, nhiều nhất là cát bê tông hay còn gọi là cát vàng, được nhập từ Đồng Nai.
“Trước đây, công ty chúng tôi nhận tất cả đơn đặt hàng từ nhiều công ty lớn thì nay không dám nhận hết. Khách hàng sẵn sàng chấp nhận giá cao nhưng mình vẫn phải từ chối.
Giá cả biến động nhanh kèm nhiều nguồn thông tin khác nhau khiến doanh nghiệp hoang mang trong việc xác định và kiểm chứng thông tin”, anh Đạt nói.
Giá cát trong những ngày gần đây tăng đột biến, ảnh hưởng không nhỏ đến nhà thầu cũng như cửa hàng vật liệu xây dựng. Ảnh: Phạm Oanh. |
Trên hầu hết trang kinh doanh mặt hàng này đều kèm theo lời chỉ dẫn giá cát thay đổi theo ngày, khách hàng nên liên hệ trực tiếp để cập nhật chính xác.
Anh Minh, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận Tân Phú, chia sẻ những ngày này giá cát thay đổi chóng mặt nên cửa hàng phải cử nhân viên túc trực riêng chỉ để trả lời điện thoại và cập nhật giá thay đổi trên website kịp đến khách.
“Chúng tôi đề nghị khách đặt và nhận hàng trong ngày, hoặc muộn nhất là sáng hôm sau, vì giá thay đổi từng giờ không lường trước được”, anh Minh nói.
Tháng 4 là thời điểm cuối cùng của mùa khô, đồng thời là giai đoạn hoạt động cao điểm của ngành xây dựng. Các doanh nghiệp cho rằng giá cát đang "làm khó" nhà thầu lẫn chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, bởi phải đáp ứng những đơn đặt hàng khách đã đặt trước đó.
Một chủ thầu trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) cho biết cát chiếm khoảng 40-50% khối lượng công trình, việc khan hiếm lẫn tăng giá đột biến tác động không nhỏ tới tiến độ công trình, cũng như lợi nhuận của nhà thầu.
“Khi cát bắt đầu tăng giá tôi đã thương lượng lại với chủ nhà về mức thỏa thuận ban đầu. Tuy nhiên, chủ công trình cũng chỉ chia sẻ chứ không đồng ý thay đổi giá toàn bộ, nên nếu tình trạng này kéo dài, không những tôi không có lời mà nguy cơ sẽ phải bù lỗ”, chủ thầu này cho biết.
Chủ thầu này nói thêm cát loại 1 hiện tăng mạnh nhất. Mỗi m3 cát này đang có giá 430.000-450.000 đồng/m3, tức gấp đôi trước đây. Do vậy mà với những công trình phụ không nhất thiết sử dụng cát loại 1, anh sẽ bàn bạc cùng chủ nhà để sử dụng cát loại 2 hoặc 3 thay thế, giúp giảm chi phí mà chất lượng không ảnh hưởng.
Lý giải nguyên nhân giá cát liên tục tăng trong những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp cho biết việc quản lý khai thác cát đang bị siết chặt. Một số đơn vị khai thác giảm công suất, dẫn đến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá lên cao.
Theo số liệu của liên Sở Xây dựng – Tài chính tỉnh Đồng Nai công bố đầu tháng 3, giá cát xây dựng bán ra tại các cửa hàng trong khu vực trung tâm một số huyện tại tỉnh này dao động trong khoảng 250.000-305.000 đồng/m3. Cá biệt tại huyện Trảng Bom, giá cát tăng vọt đến 360.000 đồng/m3.
Còn theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho thấy nguồn cát được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu và cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn.
Trong khi giá cát tăng chóng mặt thì những vật liệu khác lại không biến động nhiều. Tại các cửa hàng ở khu vực đường Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM, giá gạch ống ở mức 1.120-1.250 đồng/viên, đá đen 295.000 đồng/m3, xi măng 75.000-90.000 đồng/50kg...
Theo Phạm Oanh (Tro Thức Trực Tuyến)