Cắt tóc, gội đầu, massage... chịu thuế 7%: Không mới, thu nhập dưới 100 triệu/năm đều không phải nộp

18/06/2021 15:30:35

"Về mặt nguyên tắc là không thay đổi một cái gì cả" - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế nói.

"ĂN CÒN CHƯA ĐỦ, ĐÓNG THUẾ NỖI GÌ"

Mới đây, theo Thông tư 40 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, từ 1/8/2021 các dịch vụ kinh doanh cắt tóc, gội đầu, massage, giặt là, may đo... nằm trong danh sách chịu thuế 7% (5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân).

Mức thuế này bằng với thuế suất các ngành như môi giới, đấu giá và hoa hồng đại lý; dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông; quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu.

Cắt tóc, gội đầu, massage... chịu thuế 7%: Không mới, thu nhập dưới 100 triệu/năm đều không phải nộp
Dịch vụ gội đầu cắt tóc, gội đầu, sửa chữa đồ dùng gia đình... đều phải chịu thuế từ ngày 1/8/2021.

Đây là mức thuế suất cao đứng thứ 2 trong mục lục tính thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Lĩnh vực bị đánh thuế cao nhất là: Cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị... bị đánh thuế lên đến 10% (GTGT 5% và TNCN 5%).

Thông tư này xuất hiện trong bối cảnh hàng loạt hộ kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực cắt tóc, gội đầu, massage... phải đóng cửa để hạn chế Covid-19, túi tiền của những hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Chính vì vậy, nội dung thông tư gặp nhiều phản đối.

Khi được hỏi ý kiến, chủ nhiều tiệm cắt tóc, massage, may đo... chỉ nói: "Ăn còn chưa đủ, đóng thuế nỗi gì!"

Trả lời báo Thanh niên, PGS-TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng đúng luật thì có hoạt động kinh doanh là phải có đóng thuế. Cũng khó nói chung chung là nghề cắt tóc, gội đầu không đủ sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phong tỏa, giãn cách tại các tỉnh thành liên tục được áp dụng, các ngành dịch vụ như cắt tóc, karaoke, may đo, giặt là… bị tổn thương khá lớn.

"Thất thoát từ nguồn thuế dịch vụ này không lớn lắm, không tác động đến ngân sách. Nguồn thu từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn mới quan trọng" - PGS-TS Nguyễn Đức Độ nêu ý kiến - "Vì vậy, có thể tạm hoãn hết năm nay, sang năm 2022 tình hình dịch bớt hẳn rồi tính toán áp dụng".

THỰC TẾ: KHÔNG CÓ GÌ THAY ĐỔI

Tuy nhiên, ngày 17/6, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đức Huy – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, đây không phải là vấn đề mới, vẫn là các hộ kinh doanh bình thường.

"Trước đây chỉ là quy định ngành nghề dịch vụ nói chung thì bây giờ quy định rõ riêng và có mức thuế suất. Còn việc quản lý thuế đối với các hộ này thì vẫn thực hiện bình thường" - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế nói.

Cũng theo ông Huy, những trường hợp kinh doanh này có hai cách nộp thuế: Một là thực hiện kê khai; hai là nộp thuế khoán. Nếu là các dịch vụ có chuỗi cửa hàng lớn, quy mô rộng thì kê khai sử dụng hóa đơn và nộp thuế theo phần doanh thu của kê khai.

Trong trường hợp không đủ năng lực quản lý về hóa đơn chứng từ thì nộp theo hộ kinh doanh. Hội đồng tư vấn thuế xã, phường và cơ quan thuế sẽ rà soát thu nhập trên cơ sở kê khai. Sau đó xác định mức doanh thu trên năm rồi ấn định thuế và khoán thuế bình thường. Quy định kinh doanh có thu nhập trên 100 triệu đồng trên một năm là phải nộp thuế.

"Về mặt nguyên tắc là không thay đổi một cái gì cả", vị này nhấn mạnh.

Cắt tóc, gội đầu, massage... chịu thuế 7%: Không mới, thu nhập dưới 100 triệu/năm đều không phải nộp - 1
Chuyên gia cho rằng nên hoãn áp dụng thu thuế 7% các ngành dịch vụ như cắt tóc, karaoke, may đo, giặt là,... đến năm sau khi tình hình dịch bớt hẳn.

Cụ thể đối tượng áp dụng của Thông tư 40

1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả một số trường hợp sau:

a) Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật;

b) Hoạt động đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp;

c) Hợp tác kinh doanh với tổ chức;

d) Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế GTGT, thuế TNCN;

đ) Hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam;

3. Cá nhân cho thuê tài sản;

4. Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam ".vn";

5. Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân;

6. Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân;

7. Doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả thu nhập cho cá nhân trực tiếp ký hợp đồng đại lý bán đúng giá đối với xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp;

8. Cơ quan thuế, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)